Thế giới tận dụng vỉa hè để phát triển kinh tế

NHẬT MINH - ĐẠT NGUYỄN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/9/2023, 20:38

(HTV) - Từ Á sang Âu, kinh tế vỉa hè từ lâu đã là nét đặc trưng của các đô thị lớn. Mỗi nơi đều có cách quản lý riêng trong kinh tế vỉa hè cho phù hợp nét văn hóa đặc thù của mình.

Quảng trường Thời đại ở New York sầm uất với những hàng quán ven đường, xe đẩy thúc đẩy phát triển nền kinh tế vỉa hè. Các hộ kinh doanh cần nộp 50 đô la để có giấy phép hoạt động. Giới chức thành phố từng đề xuất dọn dẹp những hàng quán này, nhưng sau đó đã đưa ra các chính sách quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến đường.

Tại Thái Lan, từ giữa năm 2016, chính quyền thủ đô Bangkok đã bắt đầu triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè bằng cách không cho phép người bán hàng rong bán hàng trên các tuyến phố. Tuy nhiên, công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là chuyện dễ dàng vì 40% người dân của thành phố này sống nhờ vào hàng rong và đa số họ là người nghèo. Trong nỗ lực mới nhất, cơ quan quản lý đô thị Bangkok đã và đang phối hợp với các khu vực công, tư để cung cấp khoảng không gian cố định cho người bán hàng rong tại các khu vực có nhu cầu ăn uống hay các trung tâm thương mại.

Singapore là một minh chứng cho thấy việc tiếp tục cho các quán hàng rong hoạt động sẽ đem lại hiệu quả mỹ quan cho đô thị. Chính phủ nước này đã xây dựng chợ và các khu ăn uống dành cho người bán hàng rong. Để được hành nghề, những người buôn bán này phải đăng ký kinh doanh.

Những người bán hàng rong đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nguồn ảnh: Reuters 

Những người bán hàng rong đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Họ cung cấp hàng hóa và dịch vụ có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho người tiêu dùng có thu nhập thấp, khi không đủ khả năng mua sắm tại các cửa hàng lớn. Trong đó bao gồm nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, từ thực phẩm, quần áo, đồ điện tử đến đồ gia dụng.

Hình thức này cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người lao động tay nghề thấp, không thể đáp ứng một việc làm tiêu chuẩn. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO của Liên Hiệp Quốc, việc bán hàng rong trên đường phố cung cấp việc làm cho khoảng 100 triệu người trên toàn cầu. Khu vực này góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế phi chính thức, ước tính chiếm từ 25% đến 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở nhiều nước đang phát triển. Ở nhiều quốc gia, hàng rong đã trở thành nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: