(HTV) - Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, hợp xu hướng thực tế hiện nay qua đó quản lý được đường đi và "vòng đời" của chất thải mang lại hiệu quả môi trường bền vững.
Theo thống kê, tại TP.HCM mỗi ngày phát sinh trung bình 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương tại TP.HCM cũng đã áp dụng các phần mềm quản lý chất thải rắn, bước đầu mang lại một số hiệu quả nhất định trong công tác quản lý.
.webp)
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, hợp xu hướng thực tế hiện nay
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý chất thải rắn, đến nay, 34 phường trên địa bàn TP. Thủ Đức đã sử dụng phần mềm eGrac quản lý chất thải, với hơn 160.000 nguồn rác thải được số hóa. Trong đó, chủ nguồn thải là hộ gia đình chiếm 92% và gần 8% còn lại là của doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Dù mang lại hiệu quả quản lý, minh bạch thông tin, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.
Ông Lê Thượng Duy Lập - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết, việc sắp xếp lại cơ cấu khu phố, thay đổi nhân sự cũng làm gián đoạn quá trình triển khai, đồng thời, chưa đồng nhất việc xác định chủ nguồn thải, thống nhất cách quản lý, khiến cho dữ liệu chưa chính xác.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng công nghệ, chênh lệch về khả năng tiếp cận ứng dụng của người dân cũng là những trở ngại lớn khi triển khai. Để tạo thuận lợi cho chính quyền, người dân và cả đơn vị thu gom, đơn vị triển khai công nghệ cũng tăng cường thêm nhiều giải pháp, tạo điều kiện khai thác hết các chức năng của phần mềm, kết nối rộng rãi hơn với nhiều địa phương trong Thành phố.

34 phường trên địa bàn TP. Thủ Đức đã sử dụng phần mềm eGrac quản lý chất thải, với hơn 160.000 nguồn rác thải được số hóa
Theo ông Nguyễn Trọng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ GRAC, bên cạnh việc mở rộng ứng dụng thì chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt khó khăn của các địa phương để từ đó đồng hành, thường xuyên cập nhật, nâng cấp, bổ sung các tính năng mới phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định mới được ban hành, hoàn thiện và tối ưu để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Từ đó có thể khai thác tối đa chức năng của ứng dụng và hoàn thành mục tiêu số hóa quản lý nguồn thải rắn trên địa bàn tiến tới Thành phố không rác thải.
Theo ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở vẫn luôn khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ vào quản lý rác thải để quản lý nguồn thu chặt hơn, xử lý số liệu chính xác hơn phục vụ việc định hướng các giải pháp sau này. Giúp ích việc tuần hoàn chất thải, hướng tới việc đốt có thu hồi năng lượng phù hợp với tiêu chí và mục tiêu mà Thành phố đưa ra.
Những nỗ lực chung khi áp dụng công nghệ số vào quản lý chất thải rắn kỳ vọng tạo ra cuộc "cách mạng" trong quản lý môi trường tại TP, khi công nghệ ngày càng hoàn thiện và sự đồng thuận của cộng đồng ngày càng cao, TP.HCM có thể hướng tới một hệ thống quản lý chất thải thông minh, hiệu quả hơn, một bước tiến quan trọng trên hành trình xây dựng đô thị xanh, sạch, bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9