(HTV) - Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở Tổ về các dự án Luật: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Tập trung thảo luận Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, hiện nay xã hội có rất nhiều dữ liệu sức khỏe ở trên các ứng dụng y tế số trên di động, các ứng dụng này thu thập các dữ liệu sức khỏe bao gồm nhịp tim, lượng đường trong máu, các chỉ số vận động. Tuy nhiên trong các luật này chưa quy định dữ liệu trên các nền tảng y tế số này. Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng phải có quy định để kiểm soát các nền tảng y tế số, bởi lẽ các dữ liệu trên đây rất dễ bị thu thập.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn Đại Biểu Quốc Hội TP.HCM
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn Đại Biểu Quốc Hội TP.HCM nhận định, việc một nhân viên giao hàng tiếp xúc với dữ liệu của nhiều người mua, hoặc một người bán hàng làm việc với nhiều nhân viên giao hàng, đặt ra bài toán về kiểm soát ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân. Liệu nhân viên giao hàng thuộc bên kiểm soát dữ liệu hay chỉ là bên thứ ba?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây là một khía cạnh quan trọng cần được làm rõ để xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp cho từng tình huống. Các đại biểu cũng cho rằng, dữ liệu cá nhân không chỉ là tài sản riêng tư của mỗi công dân, mà còn là tài nguyên chiến lược quốc gia, cần quy định rõ ràng việc các cơ quan được sử dụng dữ liệu và chuyển hóa thành tài sản để phục vụ nghiên cứu.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
“Việc các tổ chức y tế, giáo dục, hay doanh nghiệp khai thác dữ liệu hiện có để tạo ra dữ liệu lớn, sau đó chia sẻ cho các cơ quan quản lý, nghiên cứu thị trường hoặc nhà khoa học phục vụ các mục đích như nghiên cứu dịch bệnh (ví dụ như tình huống dịch sởi hiện nay có diễn biến bất thường sau tiêm chủng) hoặc điều tra xã hội học đang đặt ra câu hỏi về việc xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân này. Liệu chúng ta có bắt buộc phải xin phép chủ thể dữ liệu cho mục đích nghiên cứu khoa học hay không? Tôi cho rằng cần xem xét và điều chỉnh các quy định liên quan trong luật hiện hành”, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu đề nghị cần giãn rộng hơn về số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử, bởi sau khi sáp nhập tỉnh thành và cấp xã, có sự chênh lệch lớn về dân số giữa các địa phương khác nhau. Bên cạnh đó, cần giao quyền giám sát cho cấp tỉnh trong đảm bảo an ninh bầu cử ở những khu vực liên quan đến quốc phòng an ninh, địa bàn trọng yếu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9