(HTV) - Không khí Tết Nguyên Đán Ất Tỵ đã tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường Đất nước. Trong không khí háo hức ấy, không ít người đã có những bồi hồi về những "mùi" Tết xưa.
Không khí Tết đã vô cùng cận kề, mang theo bao niềm háo hức
Tết là nét văn hóa muôn đời của người Việt, đây không chỉ là một dịp Lễ, mà còn là dịp để mọi người quây quần cùng nhau sau một năm làm việc vất vả. Ai nấy đều yêu Tết, nôn Tết, và chính những cảm xúc ấy đã làm nên Tết, làm nên những "mùi", những "vị" rất riêng biệt xuất hiện trong ký ức của mỗi người.
Tết là dịp đoàn viên, dịp để các thành viên trong gia đình cùng tề tựu
Nào là vị bánh chưng xanh bùi bùi của đậu xanh, dẻo của nếp, ngậy của thịt ba chỉ, đến cái mùi của quần áo mới hòa lẫn với mùi bếp núc chuẩn bị cho những mâm cúng dâng ông bà tổ tiên, hòa cả vào mùi nhang khói nghi ngút lòng thành kính của con cháu, rồi cả cả màu đỏ chói của bao lì xì, vàng rực của cây mai tất cả làm nên cái mùi, cái vị, cái mày rất thảy đặc trưng - Tết.
Hoa mai, nồi bánh chưng,... là những yếu tốt rất riêng của Tết
Mà những mùi, những vị ấy đều đặc quánh lại như chất keo dính, một tổ sáp ong gắn kết, níu kéo con người ta với thời thơ ấu của họ, thuở mà họ chưa bị cuốn vào những trăn trở, suy tư, thuở mà chỉ biết thấy nồi bánh chưng là biết sắp có thêm tiền tiêu vặt đựng trong mấy phong bao màu đỏ vẽ rồng, vẽ phượng rất bắt mắt. Cũng là cái thuở mà quần áo đẹp nhất đều là từ những xấp vải mẹ đã mua và may đo rất kĩ dành riêng cho mặc dịp Tết, còn lại tuyệt nhiên là chẳng được đụng vào nữa.
Ấy là những ký ức của những người mà có lẽ bây giờ đều đã luống tuổi, vậy còn những bạn trẻ gen Z? Những người sinh ra khi Đất nước trải qua thời kỳ Đổi mới? “Tết” trong mắt họ như thế nào?
Trong “Ông đò”, thi sĩ Vũ Đình Liên đã kết lại bài thơ bằng những trăn trở phảng phất chút gì đó còn “hờn dỗi” với thời cuộc rằng:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Nhưng ngẫm lại, cái xoay vần của thời cuộc là điều tất yếu không thể tránh khỏi, thay vì cứ mải miết đi tìm lại những cái đẹp vốn đã nằm lại ở thì quá khứ, hãy gác lại, hãy cứ để nó tỏa hương sắc như một đóa hoa thật rực rỡ ở những ngày xưa, và đừng vì thế mà bỏ mất đi vẫn còn những màu sắc, hương thơm của ngày nay, có thể nó không phải như ngày xưa ta đã biết, nhưng không có nghĩa ta nên phủ nhận.
Tết không chỉ là câu chuyện của những ngày đã qua hay hiện tại, mà là nhịp cầu nối liền các thế hệ, giữ trọn cái hồn quê hương trong từng giai đoạn. Những giá trị từ Tết xưa là cội nguồn để nhắc nhở con cháu về truyền thống, về tình thân; còn Tết nay, dẫu có đổi thay, lại mang hơi thở của thời đại, thể hiện sự thích nghi và tiếp nối. Có lẽ mỗi người nhìn Tết một cách khác nhau, nhưng tựu trung đều chung một mong muốn: được đoàn viên, được sẻ chia và cảm nhận sâu sắc cái tinh thần Tết qua từng mùi vị, từng khoảnh khắc. Vậy nên, thay vì tiếc nuối sự đổi thay, ta hãy trân trọng cả những giá trị xưa cũ lẫn những nét mới mẻ, để Tết mãi là biểu tượng của sum họp, yêu thương và sự gắn kết qua từng thế hệ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9