(HTV) - Tại TP.HCM, Khu Công nghệ cao không chỉ là trung tâm sản xuất mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao tri thức và hình thành các hệ sinh thái sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Khu Công nghệ cao không chỉ là trung tâm sản xuất mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới công nghệ
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 57 là Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong dosnh nghiệp. Đây là môi trường rất tốt, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, chỉ cần có cơ chế chính sách phù hợp, khoa học công nghệ sẽ có điều kiện đột phá.
Vừa qua, Khu Công nghệ cao Thành phố đã đưa ra định hướng phát triển thành Công viên Khoa học và Công nghệ. Đây là hướng đột phá mới, góp phần thực hiện Nghị quyết 57.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm được xác định là quốc sách đột phá
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã trình UBND TP.HCM Đề án mở rộng Khu Công nghệ cao, bổ sung chức năng Công viên khoa học. Chúng ta cũng thấy trong tỷ trọng phát triển vi mạch bán dẫn của Khu Công nghệ cao chiếm đến trên 70% thu hút đầu tư, của công nghệ sinh học chiếm 13%. Đây là hai lĩnh vực chúng tôi tập trung phát triển và những lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng đã trình Chương trình phát triển khoa học công nghệ ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ".
Không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp tự chuyển đổi, mà Nghị quyết 57 còn được kỳ vọng sẽ tạo ra các cơ chế chính sách mạnh mẽ để động viên nguồn lực đầu tư toàn xã hội vào khoa học công nghệ, để nó thực sự trở thành động lực cho phát triển.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM chia sẻ: “Việc chúng ta thừa nhận những rủi ro trong nghiên cứu, mà cái đó là đầu tư bằng vốn ngân sách, thì cũng mở ra điểm động viên cho các nhà khoa học dám mạnh mẽ dấn thân hơn. Đối với khu vực tư nhân, làm sao động viên họ dám bỏ vốn đầu tư vào, nếu có rủi ro thì có sự chia sẻ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đó mới là cái lõi của vấn đề".
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm được xác định là quốc sách đột phá. Bên cạnh đó là nghiên cứu cơ chế cho mô hình "đầu tư công - quản trị tư", bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Năm 2025, năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ sẽ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9