Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, hay còn được biết đến với tên gọi “mệ Tuyết” – người phụ nữ 10 năm hết lòng vì bệnh nhân ung thư.
Làng hương Thủy Xuân (TP Huế) vốn là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Huế. Thế nhưng giờ đây, người ta tìm đến ngôi làng không chỉ vì để ngắm nhìn những bó hương đủ màu đủ sắc, hay xem qua những chiếc nón Huế được làm thủ công đầy tinh tế, mà còn vì để được nghe câu chuyện làm đẹp cho đời của bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, hay còn được biết đến với tên gọi “mệ Tuyết” – người phụ nữ 10 năm hết lòng vì bệnh nhân ung thư.
Huế đang bước vào cao điểm của mùa mưa, mưa cả ngày lâm râm không dứt, có lúc lại đổ một trận mưa thật to, hạt mưa nặng trĩu. Chúng tôi đến quán hương của mệ Tuyết vào khoảng 10 giờ sáng, sau khi hứng một trận mưa đủ ướt. Mệ chào đón chúng tôi với sự đon đả, nhiệt tình mà chân chất của con người Huế. Chẳng cần quen biết, chẳng cần lý do, mệ niềm nở trò chuyện, chia sẻ cùng chúng tôi những câu chuyện đời, chuyện nghề đủ “âm”, đủ “sắc”, đủ “chạm”.
Mệ Tuyết - người phụ nữ hết lòng vì bệnh nhân ung thư (Ảnh: Thanh Thư)
Cơ duyên từ ánh mắt…
Tính đến nay, mệ Tuyết đã gắn bó với công việc thiện nguyện được gần 10 năm. Suốt thời gian đó, mệ luôn tất bật với công việc buôn bán, tích góp tiền lời để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y Dược. Mệ chia sẻ cơ duyên đưa mệ đến với con đường làm từ thiện có lẽ bắt nguồn từ những ánh mắt.
Đó là một lần tình cờ vào 10 năm trước, mệ đến Bệnh viện Trung ương Huế để nhận kết quả xét nghiệm ung thư cùng một người bạn. Khi biết mình không mắc phải căn bệnh quái ác, người bạn của mệ đã mừng rỡ như một đứa trẻ, ôm lấy chầm lấy mệ. Trong chính khoảnh khắc ấy, nhìn qua bờ vai gầy của bạn, mệ Tuyết thấy những ánh mắt đau đáu của những bệnh nhân ung thư khác hướng về phía mình. Mệ lại bắt gặp một người mẹ trẻ, tay dắt đứa con tầm 5 tuổi với một bên đã không còn, bên còn lại thì sưng tấy lên. Bé bị ung thư giác mạc. Mệ nhìn thấy ánh mắt của sự đau khổ, tuyệt vọng và chất chứa cả niềm hi vọng mong manh. Rồi tiếng khóc rưng rức của đứa trẻ vì bị cơn đau của bệnh tật hành hạ, khiến trái tim mệ Tuyết nhói lên từng hồi.
Mệ xúc động kể: “Lúc ấy, trong túi chỉ còn hơn trăm ngàn, mệ dúi hết cho người mẹ để lo cho cháu. Mệ nguyện cầu cháu được bình an, tai qua nạn khỏi. Vậy mà chỉ một tuần sau thì nghe tin thằng bé mất…”. Kể lại giây phút đó, đôi mắt nhuốm màu thời gian của mệ không kìm được nước mắt. Kể từ ngày hôm đó, mệ đã nguyện với lòng, chỉ cần còn khỏe mạnh, mệ sẽ chăm chỉ kiếm tiền và dành hết cho những bệnh nhân đang ngày đêm bị bệnh tật hành hạ.
Càng làm thì lại càng muốn đi sâu vào
Giờ đây, cứ hễ dành dụm đủ tiền, mệ lại gửi quà bánh đến cho tất cả bệnh nhi ung thư. Mỗi phần quà gồm bì thư 100.000 đồng, đôi lúc kèm theo bánh sữa. Bên cạnh việc hỗ trợ những bệnh nhi, mệ Tuyết cũng trích một phần để giúp đỡ các bệnh nhân ung có hoàn cảnh khó khăn khác. Thêm công việc là thêm trách nhiệm, do vậy dù đã ở độ tuổi ngoài 70, người phụ nữ ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ dù chỉ một ngày. Mệ đã chứng kiến biết bao sự ra đi không báo trước của những người trót mang căn bệnh quái ác, nên mệ luôn ghi nhớ: “Nếu mệ chậm trễ lần này thì lần này, có thể sẽ không còn lần sau nữa”.
Hai năm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lượng khách du lịch giảm mạnh, đã có lúc mệ Tuyết phải dừng lại công việc kinh doanh, nhưng chưa khi nào, người phụ nữ ấy dừng lại công việc thiện nguyện. Mệ kể: “Đợt dịch COVID, mệ vẫn đều đặn đến trao quà cho các bé, các bệnh nhân ung thư, không đi là không được đâu. Họ trông lắm! Có mấy người còn bảo mệ không sợ COVID”. Trong từng câu nói, từng ánh mắt, từng nụ cười của mệ đều ánh lên niềm vui, sự chân chất và tấm lòng tử tế.
Suốt thời gian gắn bó với công việc thiện nguyện, giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, mệ Tuyết không nhớ rõ đã phải chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau lòng nhưng mệ nói: “Càng làm thì lại càng muốn đi sâu vào hơn nữa!”. Mệ chia sẻ: “Gần 10 năm làm công việc này, mệ rất ít được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt vui vẻ trên gương mặt của những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là người lớn”. Mệ giải bày: “Ai cũng có hy vọng được sống cả, nhưng không phải ai cũng may mắn đi qua được bệnh tật. Vì thế, nếu có thể thì hãy đến giúp họ”.
Những điều mệ làm còn nhỏ lắm!
Căn nhà của mệ Tuyết nằm ở gần cuối của làng hương, cũng là tiệm hương nhỏ nhất trong làng. Nói là nhà thì cũng không phải, bởi nó chỉ là bốn bức tường gạch đã được tô vôi, lợp tôn, phía trước là mái hiên, không có bếp, không phòng ngủ. Thường ngày, mệ dọn hàng ra trước hiên, phía trong nhà đặt đồ lưu niệm. Tối đến, chỗ bán hàng được mệ trưng dụng để trải chiếu nghỉ ngơi.
Nhiều người vì thương mệ tuổi già sức yếu đã khuyên mệ chăm lo hơn cho bản thân, thế nhưng mệ chỉ mỉm cười và lặng lẽ bước tiếp con đường mình đã chọn. Có những ngày Huế mưa dai dẳng, quần áo giặt lại lâu khô, mệ vẫn vui vẻ mà chẳng than phiền: “Trời mưa thì khoan hẳn giặt, đợi nắng rồi giặt!”. Ở cái tuổi đã ngoài 70, mệ cũng mắc căn bệnh đau khớp ở người già. Vậy mà, mệ chỉ trích ra mỗi ngày 25.000 đồng để dành mua thuốc cho mình, số còn lại là dành cho những bệnh nhân ung thư.
Quán hương của mệ Tuyết nằm ở số 69, đường Huyền Trân Công Chúa, TP Huế (Ảnh: Thảo Nguyên)
Theo anh Đậu Anh Văn, sinh viên năm hai của Trường Du lịch - Đại học Huế là một trong nhiều bạn trẻ đang đồng hành cùng mệ trong những chuyến thiện nguyện, chia sẻ: “Có những ngày xuống thăm mà thấy mệ chỉ ăn chiếc bánh mì khô cùng sữa cho xong bữa. Mệ cứ thanh minh rằng mình già rồi nên chỉ ăn uống đơn giản”. Anh cho biết thêm, dù rằng mỗi chuyến từ thiện có rất nhiều sinh viên, cá nhân phụ giúp, nhưng toàn bộ chi phí, quà tặng đều do một tay mệ chuẩn bị, mọi người đi theo chỉ phụ bê vác.
“Như những lời đã hẹn ước vào 10 năm trước, giờ đây những gì có thể giúp mệ đều sẽ giúp, những gì mệ có mệ sẽ cho hết đi, chỉ xin giữ lại một phần rất nhỏ cho mình khi cuối đời” .Với mệ mà nói, việc giúp đỡ những bệnh nhân ung thư đã trở thành một phần trong cuộc sống của mệ, là cái duyên cho mệ được cống hiến cho cuộc đời này. 10 năm không ngơi nghỉ, 10 năm vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện, thế nhưng mệ tâm niệm rằng: “Những điều mệ làm cho cuộc đời này còn nhỏ lắm!”.