(HTV) - Ngày 05/12, tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, một nhóm các nhà khoa học đã công bố báo cáo hàng năm về khí thải carbon, cho thấy lượng khí thải CO2 toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Theo báo cáo của tổ chức Dự án Carbon Toàn cầu, 36,8 tỷ tấn khí CO2 đã được thải vào không khí trong năm nay, tăng gần 400 triệu tấn so với năm ngoái, tức 1,1%, và gấp đôi so với 40 năm trước.
Lượng khí thải gia tăng này chủ yếu đến từ 3 nguồn: Trung Quốc, Ấn Độ và du lịch hàng không. So với năm ngoái, khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trong năm nay của Trung Quốc tăng 458 triệu tấn, của Ấn Độ tăng 233 triệu và ngành hàng không tăng 145 triệu.
Báo cáo khiến mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trở nên khó đạt được hơn. Theo thỏa thuận Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu, các nước đã nhất trí duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và hướng tới mục tiêu 1,5 độ C.
Khí thải bốc lên từ một nhà máy lọc dầu ở Houston, Texas, Mỹ. Nguồn ảnh: AFP
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên một số điểm sáng. Một số khu vực trên thế giới giảm được lượng khí thải. Dẫn đầu là châu Âu với mức giảm 205 triệu tấn, tương đương 8%. Mỹ giảm 154 triệu tấn, chủ yếu do giảm sử dụng than đá.
Hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.