(HTV) - Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang được thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần xây dựng chính sách đột phá và khung pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện phát triển ngành.
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Fintech. Cơ chế Sandbox này sẽ giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới mà không lo gặp phải những rủi ro lớn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm Tài chính dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 01/07/2026.
Buổi thảo luận giữa các chuyên gia về việc hợp thức hóa các giao dịch tiền mã hóa và các cơ hội pháp lý mà Sandbox mang lại
Với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ hiện đại, việc quản lý và giám sát các hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Cơ chế Sandbox trở nên rất cần thiết để tạo ra một không gian thử nghiệm có kiểm soát, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn ngừa rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, xây dựng Sandbox cần có các quy định rõ ràng và khả thi để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia cảm thấy an toàn và bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.
Theo anh Nguyễn Ảnh Cường - Giám đốc Điều hành - Đồng sáng lập Fundiin PayLater, cho biết Sandbox là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư quốc tế yêu cầu các mô hình kinh doanh có chứng nhận Sandbox trước khi quyết định đầu tư. Fundiin cũng đang chờ đợi Cơ chế này để mở rộng quy mô và thu hút vốn đầu tư.
Hội thảo về Cơ chế Sandbox trong lĩnh vực Fintech tại TP.HCM, nơi các chuyên gia thảo luận về chính sách và khung pháp lý phù hợp
Tại hội thảo về Cơ chế Sandbox tổ chức bởi Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), các chuyên gia nhấn mạnh rằng, để Sandbox phát huy hiệu quả, cần có các chính sách đột phá nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng quản trị rủi ro. Chị Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội, cho rằng quy định về mô hình kinh doanh, sản phẩm và giám sát phải rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp tham gia cảm thấy an toàn.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM, đề xuất có hai hướng xây dựng Sandbox: Một là khoanh vùng thử nghiệm cho các đối tác và nghiên cứu khung pháp lý, chính sách hỗ trợ phù hợp với Việt Nam; hai là tạo Cơ chế Sandbox dành riêng cho các doanh nghiệp Fintech trong nước, giúp kiểm soát công nghệ và nhân sự, từ đó tự tin tham gia vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
Cơ chế Sandbox chính là công cụ thử nghiệm để các doanh nghiệp Fintech áp dụng vào thực tế.
Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Anh Đức cho rằng khung pháp lý cần tuân thủ các thông lệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hàng triệu tài khoản giao dịch tiền mã hóa đã được mở và một lượng ngoại tệ lớn đã được chuyển ra ngoài Việt Nam. Việc hợp thức hóa các giao dịch này không chỉ giúp kiểm soát hoạt động mà còn tạo cơ hội thu thuế và tăng cường quản lý nhà nước.
Với cơ sở pháp lý phù hợp, Sandbox không chỉ là công cụ thử nghiệm giúp thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành tài chính mà còn tạo điều kiện để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái tài chính, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9