(HTV) - Tại chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong hai ngày 10 và 11/9, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập "Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM bày tỏ lạc quan, niềm tin, kỳ vọng về những giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế trong thời gian tới, khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước được thiết lập.
Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho ESC
Mới đây, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn - ESC. Đây là bước chuẩn bị quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023. Việc tăng cường hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho ESC trong thời gian tới.
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chia sẻ: "TP.HCM nhận định Việt Nam có cơ hội trong việc tham gia sâu vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, có thế mạnh nhất định trong một số khâu của chuỗi giá trị bán dẫn như khâu thiết kế và đóng gói. Và chất lượng nhân lực là quan trọng để tận dụng thời cơ này, vì các nước mạnh về lĩnh vực này thì họ thiếu nhân lực. Việt Nam có tiềm năng khỏa lấp sự thiếu hụt này. Do vậy thời gian qua Khu Công nghệ cao hợp tác với các đối tác công nghệ để hình thành Trung tâm đào tạo vi mạch, hợp tác với các trường đại học, cũng như hợp tác với tập đoàn lớn của Hoa Kỳ để triển khai Chương trình ươm tạo các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, để hình thành doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này, từ đó thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài".
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM
Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới.
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây của Tập đoàn Vina T&T sang thị trường Hoa Kỳ đạt 73 triệu USD. Và trong 8 tháng đầu năm 2023, nhờ thị trường Hoa Kỳ cho phép mở cửa trở lại đối với mặt hàng bưởi, và dừa tươi của Việt Nam, doanh số đã tăng trưởng hơn 35%.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T: "Vào giữa tháng 8, Hoa Kỳ đã cấp phép cho trái dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu trở lại sau 1,5 năm tạm ngưng. Sản lượng dừa sang Hoa Kỳ tăng cao trong nửa tháng qua, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Biden tới Việt Nam cũng mở ra kỳ vọng tạo cơ hội hợp tác mới cho xuất khẩu trái cây, và đến cuối năm Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu chanh dây vào thị trường này, tăng doanh số xuất khẩu lên 40% trong năm nay, để hoa quả Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ tốt hơn và đa dạng hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhiều ngành nghề khác dự kiến cũng sẽ hưởng lợi nhờ dòng vốn của các nhà đầu tư lớn tại thị trường Hoa Kỳ. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược. Tận dụng chính sách, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá còn đòi hỏi nỗ lực lớn từ nhiều phía.
Theo Bộ Công Thương, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi này. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9