Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét sửa đổi Hiến pháp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 5/5/2025, 07:00

(HTV) - Chiều qua tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp sẽ khai mạc vào hôm nay, bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Với nhiều nội dung quan trọng, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai cụ thể hoá Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Toàn cảnh buổi Họp báo 

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định. Cụ thể, về công tác lập hiến và lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật và 11 nghị quyết; đồng thời cho ý kiến 6 dự án luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy trả lời báo chí 

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về đề nghị sửa Luật Bầu cử cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xác định ngày bầu cử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Liên quan chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Bộ Chính trị đã có kết luận và Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn về việc không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành sau sáp nhập mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm. Tuy nhiên không ít ý kiến lo ngại việc chỉ định nhân sự sẽ mang ý chí cá nhân, không đảm bảo yếu tố công tâm, khách quan trong chọn lựa nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh. 

Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết cơ chế chỉ định nhân sự tại các đơn vị sau sắp xếp là nội dung đã được xem xét và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận, quyết định. Đây là cơ chế trước đây chưa thực hiện. Nhưng lần sắp xếp này có những điểm khác so với những lần sắp xếp trước đây cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025. Cụ thể, lần này, ngoài việc nhập các xã, tỉnh thì còn thực hiện chủ trương rất lớn là không tổ chức cấp huyện. Do đó, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời gian nhập các tỉnh, xã.

Đại diện Ủy ban Pháp luật và tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm việc này sẽ được ghi nhận trong nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại điều khoản chuyển tiếp, làm cơ sở cho thực hiện.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: