Chiều 5/5, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 100% số đại biểu (ĐB) Quốc hội có mặt tán thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã được thông qua với 100% số ĐB có mặt tán thành.
Thảo luận trước khi thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận định, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết và kịp thời. Đây là quyết định hệ trọng, cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội và toàn hệ thống chính trị một cách thận trọng, minh bạch và có lộ trình rõ ràng.
Về Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐB cho rằng dự thảo nghị quyết cần làm rõ thành phần ủy ban, bao gồm đại diện Quốc hội, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát, MTTQ... Ủy ban có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân công khai, nhiều hình thức; công bố dự thảo rộng rãi; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Về lộ trình, ĐB đề nghị từ ngày 6/5 đến ngày 5/6 lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia; tiếp đó là hoàn thiện dự thảo và tổng hợp, giải trình chính thức.
Đồng tình với ĐB Thạch Phước Bình về nhiều nội dung, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ghi nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức, làm việc rất tốt, khoa học, nghiêm túc khi chuẩn bị tờ trình về vấn đề này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân, song ĐB đề nghị ủy ban tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm với các chuyên gia về xây dựng pháp luật, cả trong nước và quốc tế. “Nên tổ chức thành nhóm vừa phải, giới hạn chủ đề cụ thể để có thể mổ xẻ thấu đáo”, ĐB khuyến nghị.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, tiếp thu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày toàn văn 2 dự thảo nghị quyết nêu trên trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm:
1. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban;
2. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban;
3. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban;
4. Đồng chí Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban;
5. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực;
6. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Thường trực;
7. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Thường trực;
8. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Ủy viên;
9. Đồng chí Dương Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, Ủy viên;
10. Đồng chí Lê Quang Tùng, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên;
11. Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên;
12. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên;
13. Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy viên;
14. Đồng chí Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên;
15. Đồng chí Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên.
|