(HTV) - Phương thức hợp tác công - tư (PPP) là lợi thế vượt trội mà TP.HCM có được từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển văn hóa.
Thành phố hoàn toàn phù hợp để làm nơi thí điểm đầu tiên của cả nước, bởi các yếu tố như số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, thị trường văn hóa nghệ thuật phát triển sôi động. Tuy nhiên, phương thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực văn hóa là chưa có tiền lệ, khả năng tiến độ hỗ trợ, giải quyết cho nhà đầu tư và triển khai dự án trong thực tế sẽ chậm hơn so với lĩnh vực khác cùng phương thức đầu tư.
Có thể tận dụng các cơ chế đặc thù và hợp tác với doanh nghiệp đầu tư vào những mặt bằng có khả năng gia tăng giá trị văn hóa
Tuyến buýt đường sông TP.HCM là một điển hình khá thành công của việc hợp tác công - tư. Nhờ đó, di sản Sài Gòn 300 năm trên bến dưới thuyền được kế thừa và phát triển, từng bến tàu trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần phát triển du lịch và kinh tế đêm. Tuy nhiên, việc mở rộng thêm các điểm đến của tuyến buýt sông vẫn còn gặp trở ngại.
“Để phát triển các yếu tố văn hóa thì chúng ta phải có những bến tàu để còn làm được những hoạt động, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại về cơ chế chính sách để đủ điều kiện triển khai xây dựng. Đó là cái chúng ta cần tháo gỡ.” Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty Thường Nhật chia sẻ.
Tuyến buýt đường sông TP.HCM là một điển hình khá thành công về hợp tác công - tư
Tại Hội thảo khoa học "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa vốn được xem là ngành có nhiều khả năng mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, việc thu hút vốn đầu tư vào ngành văn hóa từ khối kinh tế tư nhân không quá khó khăn. Tuy nhiên, văn hóa là một lĩnh vực rất đặc thù, phức tạp, cần có những mô hình cụ thể để tạo ra những tiền lệ mới.
Hội thảo khoa học Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa
PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long – Đại học RMIT Việt Nam đề xuất: “Chúng ta tận dụng những mặt bằng, những địa điểm, cơ sở văn hóa đang được doanh nghiệp nhà nước quản lý, chúng ta tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư vào, để giảm được nguồn ngân sách duy tu bảo dưỡng, đồng thời cũng tăng được mức độ khách đến tham quan. Tư nhân họ đầu tư cũng có thể cải tạo được những khu vực đó phát triển tốt hơn, thì tôi nghĩ điều đó cũng rất tốt.”
Tiến sĩ Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết, địa phương làm, và địa phương chịu trách nhiệm. Đây là cơ sở rất quan trọng để TP.HCM có thể mạnh dạn tận dụng những không gian, quy định của Nghị quyết 98, cũng như những thay đổi rất thực tế của các luật đầu tư, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro, tư nhân làm gì, nhà nước làm gì, trách nhiệm của tư nhân ở đâu và trách nhiệm của nhà nước ở đâu trong mỗi một dự án.”
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết những dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa khi vay vốn tại HFIC sẽ được Thành phố xem xét, hỗ trợ lãi suất. Mức vốn vay tối đa của một dự án được hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ thiết bị được hỗ trợ tối đa 85%. Thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9