(HTV) - Chuyển đổi số đã không còn xa lạ với người dân và doanh nghiệp khi Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình này với 3 mục tiêu chính: Xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Đối với TP.HCM, chuyển đổi số là con đường tất yếu để xây dựng Thành phố thông minh, hay Smart City. Trên thế giới, Smart City đã trải qua 3 giai đoạn phát triển:
Ở giai đoạn đầu kéo dài hơn 10 năm, các thành phố tập trung vào sử dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề cụ thể trong đô thị.
Giai đoạn tiếp theo, áp dụng cách tiếp cận tổng thể với các kế hoạch toàn diện của Chính phủ.
Từ năm 2017 đến nay, Smart City 3.0 được thúc đẩy với sự tham gia của công dân và quan hệ đối tác công - tư, tức lấy xã hội làm nền tảng, thúc đẩy xã hội số.
Như vậy, TP.HCM với việc đưa vào vận hành Ứng dụng Công dân số kết nối người dân và chính quyền, đang thực sự đón đầu xu thế xã hội số hiện nay trên thế giới.
Có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, nhưng bà Cẩm Hồng không biết bắt đầu các bước thủ tục như thế nào. Cho đến khi bà tra cứu được thủ tục cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè trên ứng dụng Công dân số TP.HCM, mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn. Một lợi thế với bà là dù đã có tuổi nhưng khá thành thạo khi sử dụng thiết bị di động.
Trải nghiệm của người dân khi sử dụng Ứng dụng công dân số
“Khi mua nhà ở xã hội, tôi rất quan tâm pháp lý nhà ở xã hội đó, chủ đầu tư có uy tín không, tiến độ xây dựng đúng như cung cấp không, thì qua cái app đã cung cấp cho tôi đủ được những thông tin trên.” - Chị Nguyễn Trúc Thoa - Quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ.
Sau khi trải nghiệm ứng dụng Công dân số TP.HCM, anh Lê Đức Anh - Quận 6, TP.HCM cho biết: “App này khá hay, thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng. Người dùng có thể kiểm tra, phản ánh và quản lý các tiện ích trên app.”
Bên cạnh các dữ liệu về thủ tục hành chính, ứng dụng Công dân số TP.HCM còn cung cấp các thông tin hữu ích về giáo dục, y tế, du lịch,... Đặc biệt, ứng dụng cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch sởi, lịch tiêm, điểm tiêm vaccine sởi, các dự báo về triều cường, thời tiết trên địa bàn TP.HCM.
Ứng dụng Công dân số TP.HCM là dự án được Thành phố ấp ủ và ra sức xây dựng trong nhiều tháng để kịp đưa vào sử dụng từ giữa tháng 11 năm nay. Đến thời điểm này, hệ thống ghi nhận hàng chục ngàn lượt tải và truy cập.
Ông Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM chia sẻ: “Dự án ứng dụng Công dân số TP.HCM được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, được khởi động tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM từ năm 2022.
Sau 3 tháng tập trung tăng tốc để hoàn thành giai đoạn 1, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chính thức công bố ra mắt ứng dụng và đưa vào sử dụng từ ngày 14/11.
Ứng dụng Công dân số là một nền tảng di động thông minh, cung cấp kênh giao tiếp hai chiều giữa công dân và chính quyền Thành phố, với tính năng tương tác một chạm đơn giản và thuận tiện. Trong giai đoạn đầu (từ nay đến ngày 31/12/2024), ứng dụng sẽ cung cấp 12 nhóm tính năng chính, giúp người dân tiếp cận các tiện ích cần thiết và kết nối nhanh chóng với chính quyền. Người dùng chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất thông qua tài khoản định danh điện tử VNeID.
Người dùng có thể gửi phản ánh, kiến nghị, góp ý, và hiến kế về các vấn đề mà mình quan tâm; có thể theo dõi tiến độ xử lý các phản ánh từ cơ quan chức năng và tra cứu các dịch vụ công trực tuyến.
"Sau 2 tuần đưa vào vận hành chính thức, chúng tôi rất vui khi nhận thấy sự đón nhận tích cực từ người dân Thành phố. Đến nay hệ thống ghi nhận có gần 10.000 lượt tải ứng dụng cài đặt, trên 31.000 lượt truy cập dịch vụ cần xác minh thông tin với VneID", TP.HCM ghi nhận.
Ứng dụng hướng tới tích hợp nhiều tính năng từ các ứng dụng có sẵn trong tương lai
Ông Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cũng cho biết: “Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ phù hợp để đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định, với khả năng đáp ứng lượng truy cập lớn và bảo mật thông tin cá nhân cao. Ứng dụng sẽ được theo dõi, giám sát và nâng cấp thường xuyên để đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin và tránh quá tải khi lượng truy cập tăng cao.
Trong tương lai, ứng dụng hướng tới tích hợp nhiều tính năng từ các ứng dụng hiện có như: VssID, Dịch vụ công, Trật tự giao thông, Sổ sức khỏe điện tử, thuế; cùng các tiện ích khác như: Dịch vụ công trực tuyến, chatbox hỗ trợ giải đáp người dùng, ghi nhận góp ý, tăng tính năng trải nghiệm người dùng và nâng cấp hệ thống phản hồi tự động vào một nền tảng chung nhằm giảm thiểu tình trạng có quá nhiều ứng dụng trên môi trường di động mà người dùng muốn sử dụng thì phải cài đặt riêng lẻ.”
Nhìn ra các nước trong khu vực, chuyển đổi số tại Singapore trong 10 năm qua đã làm thay đổi sâu sắc nhiều khía cạnh của đảo quốc này, từ kinh tế, xã hội đến cơ sở hạ tầng và quản trị nhà nước.
Được khởi xướng từ năm 2014, với tên gọi Quốc gia Thông minh, chiến lược chuyển đổi số của Singapore đã đưa quốc gia này trở thành một trong những nước tiên phong về công nghệ, không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Trong năm 2023, nền kinh tế số của Singapore đã đóng góp 17,3% vào GDP quốc gia, tương đương 106 tỷ SGD, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Singapore cũng đã thành lập Văn phòng Chính phủ số và Quốc gia thông minh nhằm tạo sự thống nhất trong việc vận hành chuyển đổi số. Trong đó, chính phủ đóng vai trò then chốt, cùng với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và cả người dân.
Một trong những thành công lớn của nền kinh tế số Singapore là phát triển dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử. Điển hình nhất phải kể đến ứng dụng LifeSG tích hợp hơn 40 dịch vụ tiện ích như đăng ký giấy khai sinh, trợ cấp trẻ em, tìm trường học, tìm việc làm, quyền lợi cho người cao tuổi, hay cập nhật những chương trình phúc lợi mới nhất. Hay hệ thống nhận dạng kỹ thuật số quốc gia SingPass cho phép truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số do hơn 60 cơ quan chính phủ và một số tổ chức tư nhân cung cấp với hơn 70 triệu giao dịch mỗi năm.
Người dân không cần nhớ nhiều tên đăng nhập và mật khẩu để truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số. Nền tảng dịch vụ công số cho phép họ chỉ cần nhập thông tin cá nhân một lần duy nhất. Thông tin này sau đó được lưu trữ an toàn trên hệ thống và có thể được tự động điền vào các mẫu đơn khác nhau như mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký vay mua nhà.
Singapore dẫn đầu nền kinh tế số với dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử
Một tiện ích khác là ký (sign) và khuôn mặt (face), cho phép doanh nghiệp và khách hàng ký điện tử vào tài liệu như hợp đồng, thoả thuận hay nộp đơn. Một tài liệu được ký điện tử cung cấp mức độ đảm bảo cao về danh tính của người ký, tính toàn vẹn của tài liệu, và được luật giao dịch điện tử ở Singapore bảo vệ.
Trước những mối đe dọa kỹ thuật số ngày càng tăng như tin giả, lừa đảo trực tuyến, deepfake, chính phủ Singapore đã công bố Chiến lược Quốc gia Thông minh 2.0, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
Dự án cũng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng của công nghệ, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo A.I để cải thiện năng suất và mở rộng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp.
Như các đô thị lớn khác, TP.HCM đã có các nền tảng kết nối giữa người dân và chính quyền trên môi trường số. Tuy nhiên, Thành phố đang đứng trước thách thức lớn khi cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng gia tăng, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao. Sự phát triển không ngừng của đô thị dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp như quản lý tài nguyên, giao thông, môi trường và khoảng cách số. Điều này đòi hỏi các giải pháp cụ thể, thiết thực để hướng đến một xã hội số phát triển bền vững.
Chuyển đổi số đi đôi với chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững
Dù ở lứa tuổi nào, trong ngành nghề nào, phạm vi tiếp cận ra sao, thì người dân Thành phố đều đã khá quen thuộc với các thiết bị số. Tuy nhiên, từ người dùng công nghệ trở thành con người số là một quá trình không dễ. Trước hết, cần nhận thức rõ môi trường số chúng ta đang hướng đến không phải là môi trường ảo, mà ở đó tất cả được xác thực danh tính. Mọi người thực hiện hành vi như một công dân có trách nhiệm, với tính an toàn bảo mật được đảm bảo, và ý thức của người dân được tôn trọng.
Công dân số được xem là "nền móng" cho thành phố thông minh. Móng có bền thì thành mới vững, từng "tế bào" trong xã hội số sẽ là một nút cấu thành của chuỗi khối bất khả xâm phạm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9