(HTV) - Việc TP.HCM tháo gỡ các rào cản về đất đai tại các khu công nghiệp đang mở ra cơ hội lớn, thu hút dòng vốn đầu tư hàng tỷ USD, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Tháo gỡ vướng mắc đất đai: Bước ngoặt cho các KCN tại TP.HCM
Các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp tại các KCN ở TP.HCM đang phải đối mặt là vướng mắc về đất đai. Nhận thức rõ thách thức này, lãnh đạo TP.HCM đã nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ cho các KCN và thu hút dòng vốn đầu tư mới vào Thành phố.
TP.HCM đã nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ cho các KCN và thu hút dòng vốn đầu tư mới vào Thành phố.
Doanh nghiệp sản xuất sơn Jotun Việt Nam, có mặt tại Việt Nam từ năm 1997, hiện đang mong muốn mở rộng đầu tư trên diện tích 100.000 m² tại KCN Hiệp Phước. Theo ông Trần Thái Hưng - Giám đốc Phụ trách Vận hành của Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, thông tin TP.HCM nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp có giấy phép đầu tư là tin vui lớn. "Hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết sớm. Có giấy tờ pháp lý, chúng tôi có thể huy động vốn và xoay sở tốt hơn. Hiện diện tích đất tại đây đã sử dụng gần 2/3 và chúng tôi đang lên kế hoạch di dời nhà máy từ Bình Dương về để sản xuất kinh doanh tập trung và hiệu quả hơn," ông Hưng chia sẻ.
KCN Hiệp Phước hiện là điểm đến của hơn 200 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 1 của KCN này có diện tích 311 ha với tỷ lệ lấp đầy 95%. Trong khi đó, giai đoạn 2 có diện tích 596 ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy mới đạt gần 30%. Đây là dư địa lớn để thu hút các nhà đầu tư mới, với điều kiện các rào cản pháp lý về đất đai được tháo gỡ kịp thời.
Đất đai và hợp đồng thuê đất - Thách thức lớn với KCN TP.HCM
Theo ông Huỳnh Bảo Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, trong nửa đầu năm 2024, TP.HCM đã tổ chức hai cuộc họp quan trọng để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai. "Trong tháng 12 này, chúng tôi sẽ được ký hợp đồng thuê đất với Thành phố và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề cốt lõi để các nhà đầu tư trong KCN hoàn thiện pháp lý cho dự án của mình. Ngay sau khi giấy chứng nhận được cấp, chúng tôi có thể đưa vào khai thác ngay 145 ha đất công nghiệp thương phẩm để thu hút các dự án đầu tư mới. Hạ tầng kỹ thuật, đường xá, cầu cống, hệ thống điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng và hệ thống xử lý nước thải đều đã sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp," ông Đức nhấn mạnh.
Hiện tại, TP.HCM có 17 KCN và khu chế xuất (KCX), trong đó có những KCN đã hoạt động hơn 30 năm. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu tại đây liên quan đến việc gia hạn hợp đồng thuê đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và giá thuê đất. Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM, nếu tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến các hợp đồng thuê đất giữa các công ty hạ tầng KCN và Nhà nước, TP.HCM có thể khai thác thêm 70 ha đất ngay trong tháng 1/2025.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM
Với việc lãnh đạo Thành phố quyết liệt trong tháo gỡ vướng mắc đất đai, TP.HCM được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Động thái này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đang hoạt động mà còn mở ra khả năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, thúc đẩy phát triển các KCN theo hướng hiện đại và bền vững. Với 350 ha đất sạch sẵn sàng đưa vào khai thác trong năm 2025, TP.HCM hứa hẹn sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9