(HTV) - Chương trình sân khấu thực cảnh lịch sử “Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân” không chỉ là một vở diễn nghệ thuật mà còn là hành trình tri ân, tái hiện quá khứ hào hùng và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025), 50 năm Ngày Giải phóng huyện Củ Chi (29/4/1975 – 29/4/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), UBND huyện Củ Chi chính thức ra mắt chương trình sân khấu thực cảnh lịch sử “Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân”.
Chương trình sân khấu thực cảnh lịch sử “Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân”
Chương trình được xây dựng công phu với nội dung xuyên suốt qua lời kể của linh hồn một người lính Mỹ tử trận tại Củ Chi, khán giả sẽ được chứng kiến câu chuyện đầy cảm xúc về sự hy sinh, lòng dũng cảm của quân và dân Củ Chi trong những ngày kháng chiến khốc liệt.
Nổi bật trong câu chuyện là hình tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, người đã hy sinh cả 08 người con trai và 02 người cháu cho đất nước. Hình ảnh người mẹ với lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, khơi gợi lòng biết ơn và tự hào về truyền thống “Đất Thép thành đồng” của Củ Chi.
Đạo diễn Lê Quý Dương - Đạo diễn không gian trải nghiệm sân khấu lịch sử truyền thống “Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân” chia sẻ: Câu chuyện dựa trên những dữ liệu lịch sử và những nhân vật lịch sử có thật: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, một người đã hy sinh cả tám người con, hai người cháu và trực tiếp tham gia chiến đấu cũng như phục vụ chiến đấu qua suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi đã làm rất nhiều chương trình ở khắp các vùng đất của Việt Nam mà đến giờ này mới hiểu về Củ Chi một cách thấu đáo và có những ấn tượng, những cảm xúc rất đặc biệt. Thông qua chương trình này, chúng tôi cũng muốn dành một tấm lòng tri ân sâu sắc gửi tới những anh linh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở trên chiến trường Củ Chi năm xưa.
Sân khấu thực cảnh tái hiện lịch sử oai hùng của vùng đất Củ Chi
Điểm độc đáo của sân khấu là không gian được cải tạo từ phòng trưng bày lịch sử của Nhà truyền thống huyện Củ Chi. Với thiết kế sáng tạo gồm hệ thống địa đạo ngầm bên dưới, khán giả và diễn viên như hòa vào làm một, cùng sống lại thời kỳ chiến đấu dũng cảm của quân và dân Củ Chi.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của chính những người dân Củ Chi và cả những diễn viên không chuyên
“Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân” đặc biệt có sự tham gia biểu diễn của chính những người dân Củ Chi và trong đó có những người chưa được đào tạo bài bản một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với lòng yêu quê hương, đất nước, họ đã hóa thân xuất sắc và đã diễn tả một cách chân thực về cuộc sống của người dân và chiến sĩ trong thời chiến tại huyện Củ Chi. Có thể nói đây không chỉ là sân khấu mà còn khắc họa rõ nét về lòng yêu nước, sự hy sinh quả cảm cũng như khát khao về một đất nước hòa bình và thể hiện tình nhân ái, nhân văn đến với mọi người.
Bà Trà Như Nguyên (trái) vào vai Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành
Vào vai Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, bà Trà Như Nguyên - Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi, TP.HCM chia sẻ: “Khi đọc kịch bản, mình chưa hình dung được vai diễn của mình sẽ như thế nào, nhưng trong quá trình tập luyện được đạo diễn hướng dẫn, nghiên cứu thêm tài liệu về má, mình cảm thấy yêu thương người mẹ này rất nhiều và càng cảm thấy tự hào vì mình là một trong những người con của quê hương Củ Chi.”
Còn với vai anh Hai Dúng, con trai cả của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, anh Lâm Tuấn Anh bộc bạch rằng đây là một vai rất khó vì phải diễn tả được khí chất của một người anh cả, một người anh tiên phong lên đường đi bộ đội, đi nhập ngũ để cho những người em của mình và từ từ là những người con của má Tám cũng sẽ lên đường đi bộ đội cống hiến cho cách mạng.
“Đây không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn mang giá trị giáo dục lịch sử và truyền thống to lớn cho thế hệ trẻ, đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương Củ Chi đến bạn bè trong nước và quốc tế. Chương trình tái hiện sự kiên cường, gan dạ và hy sinh của quân và dân Củ Chi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí khi xây dựng chương trình, huyện Củ Chi đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, địa đạo Bến Dược và những người con ưu tú của Củ Chi trong lực lượng công an và quân sự”, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.
Sống lại thời kỳ lịch sử qua “Đất Thép – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân”
Trong khuôn khổ chương trình, khách tham quan còn được xem các tư liệu hiện vật gắn liền với lịch sử hào hùng của vùng đất thép củ chi, điều độc đáo là đội ngũ thuyết minh tại các phòng trưng bày rất đa dạng, có cả thuyết minh viên là học sinh tự hào giới thiệu về truyền thống quê hương Củ Chi của mình.
Đội ngũ thuyết minh có cả thuyết minh viên là học sinh
Em Phan Thị Bình, học sinh trường THCS Thị Trấn 2, huyện Củ Chi, TP.HCM chịu trách nhiệm phần thuyết minh về phòng lưu niệm của cố Thủ tướng, Phan Văn Khải. Qua công việc, em Bình đã thêm tự hào khi là một người con của mảnh đất Củ Chi và chung quê hương của cố Thủ tướng.
Em Trần Hồ Khánh Nam, học sinh trường THCS Thị Trấn 2, huyện Củ Chi, TP.HCM chia sẻ: “Em thuyết minh cho phòng thành tích ở Nhà truyền thống huyện Củ Chi, em mong muốn là mọi người sẽ hiểu hơn về những thành tích mà nhân dân huyện Củ Chi đã đạt được từ sau ngày Giải phóng.”
“Đất Thép” sẽ chính thức ra mắt vào ngày 22/12 và biểu diễn định kỳ vào lúc 19 giờ tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại sân khấu Nhà truyền thống huyện Củ Chi. Chương trình hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua, vừa mang giá trị lịch sử, giáo dục, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh Củ Chi và TP.HCM đến với cả nước và quốc tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9