Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 23-NQ/TW là tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ (KH và CN) Bùi Thế Duy, tạo nên cơ chế thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST) là một ưu tiên trong xây dựng chính sách của Bộ.
- Thưa ông, nếu xây dựng được mạng lưới các doanh nghiệp nhạy bén, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông đánh giá thế nào về cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ?
- Có thể nói, đây là thời điểm mà các startup khoa học và công nghệ nhận được nhiều sự hậu thuẫn cả về cơ chế chính sách, hỗ trợ đào tạo thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo với sự hợp tác từ một số quốc gia, từ Ngân hàng Thế giới. Phong trào khởi nghiệp ÐMST được nhân rộng từ rất sớm, nhờ mạng lưới các câu lạc bộ khởi nghiệp ÐMST trong các trường học, và các hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đưa công nghệ vào sản xuất.
Ở quy mô quốc gia, Ðề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST quốc gia đến năm 2025 (Ðề án 844) do Bộ KH và CN chủ trì triển khai trong hơn một năm qua cũng đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng ta đã hình thành được nhiều vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh. Ngoài ra, Bộ KH và CN còn tổ chức các sự kiện liên kết hệ sinh thái quy mô vùng nhằm kết nối hoạt động khởi nghiệp giữa các địa phương trong vùng, nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp lan rộng khắp cả nước.
Ðể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST, Bộ KH và CN chú trọng những hoạt động tạo nên tính kết nối mạnh mẽ. Chẳng hạn như, tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ÐMST quốc gia (Techfest Vietnam) giúp kết nối các bạn khởi nghiệp ÐMST với các nhà đầu tư, các vườn ươm, doanh nghiệp, các khu thúc đẩy khởi nghiệp ÐMST, đồng thời kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Năm nay, dự kiến tổ chức Techfest vào cuối tháng 11 tại Ðà Nẵng. Thực tế cho thấy, qua các sự kiện kết nối, rất nhiều startup đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài.
- Thực tế có nhiều startup bắt đầu sự nghiệp nhanh và đóng cửa cũng nhanh. Ông có thể nói gì với những người trẻ muốn khởi nghiệp?
- Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ cần hiểu khái niệm startup trên thế giới tương ứng với khởi nghiệp ÐMST. Có nghĩa là phải khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những mô hình mới, hình thức kinh doanh mới, những kết quả khoa học và công nghệ mới để nhanh chóng phát triển doanh nghiệp và cạnh tranh trên toàn cầu. Ðây chính là sự khác biệt với lập nghiệp, khởi nghiệp thông thường.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần thay đổi quan điểm về độ tuổi khởi nghiệp thành công. Ở Israel, độ tuổi trung bình của các startup là 40, tức nếu để khởi nghiệp thành công, phần lớn họ đã đi làm một thời gian đủ để tích lũy nhiều kinh nghiệm và khởi nghiệp, không phải ai mới ra trường đều cũng có thể sớm trở thành ông chủ. Và điều cũng vô cùng quan trọng nữa là tinh thần của xã hội nói chung, tinh thần của các bạn trẻ, tinh thần của các đối tượng liên quan nói riêng phải học “văn hóa thất bại”, đúng theo cách cha ông ta thường nói, “thất bại là mẹ của thành công”.
- Ðể khoa học và công nghệ thật sự là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, sẽ cần đến những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp, thưa ông?
- Ở Việt Nam, doanh nghiệp được chia làm bốn nhóm. Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp dẫn dắt, đi đầu như các tập đoàn lớn (của Nhà nước lẫn tư nhân). Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 95%). Thứ ba, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ và phát triển dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ cao. Thứ tư, các doanh nghiệp ÐMST.
Ðối với doanh nghiệp ÐMST, nhất là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất để phát triển và có sức cạnh tranh với thế giới, Bộ KH và CN đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ. Cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và phát triển hoàn thiện công nghệ, từ đó ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!