(HTV) - Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may toàn cầu đều chịu áp lực của hàng tồn kho: Hàng nào càng rẻ tiền thì tồn kho càng lớn; tình trạng thiếu đơn hàng sẽ càng nặng nề.
Ngành dệt may toàn cầu đều chịu áp lực của hàng tồn kho
Giá - chất lượng sản phẩm - thời gian giao hàng là 3 yếu tố quan trọng để khách hàng có tiếp tục đặt các đơn hàng với doanh nghiệp hay không. Với tình hình hiện nay, tuy một số doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại nhưng khó khăn vẫn còn nhiều và để có thể ổn định, phát triển thì phải chờ đến cuối năm 2024.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ: “Khó nhất với chúng ta bây giờ là khi thị trường, các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu đều yêu cầu chúng ta phải sử dụng các sản phẩm tái chế thì ngành dệt may chúng ta phải thích ứng, các dòng sợi, kéo sợi cũng phải đưa ra những dòng sợi phục vụ thị trường Châu Âu và thị trường Mỹ. Cái khó thứ 2 là chúng ta đang phải đứng trước về cạnh tranh chi phí lao động. Băng-la-đét thì lương vùng của họ chỉ khoảng 75 USD còn của Việt Nam là hơn 300 USD”.
Trong giai đoạn khó khăn, thiếu đơn hàng vừa qua, các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng: Số lượng đơn hàng yêu cầu tiêu chuẩn xanh vẫn giữ ổn định, tăng 15 - 20% qua từng năm.
Số lượng đơn hàng yêu cầu tiêu chuẩn xanh vẫn giữ ổn định
Như vậy, để phát triển lâu dài, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải thay đổi rất nhiều để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu; đồng thời chuyển hướng sang kinh tế xanh. Ngoài ra, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, các nước đã chủ động chuẩn bị cho kinh tế xanh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự chuẩn bị đó.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean
Theo ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean: “Hiện nay là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may nói chung và Việt Thắng jean nói riêng để tái đầu tư, đổi mới công nghệ và đầu tư công nghệ xanh, cải tạo lại hệ thống dây chuyền cho đúng tiêu chuẩn xanh, theo đúng tiêu chuẩn EU và Mỹ đang áp dụng và tôi nghĩ, tới đây các nước cũng sẽ áp dụng rất lớn”.
Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM: “Tiêu chí xanh là xu thế mà gần như là chúng ta không thể nào cưỡng lại được. Do vậy các doanh nghiệp sản xuất cũng rất là quan tâm đến quá trình tổ chức cho nó cụ thể hơn. Việc quan tâm này rất cần sự hỗ trợ rất nhiều, không những của doanh nghiệp mà còn có một hệ thống chính quyền, chính sách hỗ trợ làm sao thúc đẩy quá trình chuyển dịch theo hướng đến từ Việt Nam rất là quan trọng”.
Dự tính xuất khẩu dệt may năm 2023 và năm 2024
Dự kiến, trong năm nay, con số xuất khẩu cao nhất ngành dệt may chỉ có thể đạt gần 40 tỷ USD và sẽ tăng tốc đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2024.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9