Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu “không luật hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở", khi phát biểu thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 20/9.
Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Triển khai sớm và quyết liệt việc di dời các cơ sở khỏi nội đô
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Tuy nhiên, phạm vi, lĩnh vực phân quyền phải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực thực hiện của chính quyền Thủ đô và dựa trên những điểm đặc thù, khác biệt, riêng có của Hà Nội với tính chất là Thủ đô của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát lại để đảm bảo luật thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Nhắc lại vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ vừa qua là rất đau xót, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu giao cho TP. Hà Nội có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt liên quan đến một số lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, giao thông... Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), “dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”.
Góp ý về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. “Bởi lẽ, thông qua các quy định của dự thảo Luật chúng ta có thể hình dung được hình hài phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai”, ông Bùi Văn Cường nói.
Ông Bùi Văn Cường bày tỏ nhất trí cao với chủ trương, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.
Ông cũng nhất trí chủ trương cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.
Cho rằng chủ trương này là rất đúng, đã đặt ra ngay từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, ông Bùi Văn Cường đề nghị cần phải triển khai sớm và triển khai quyết liệt. “Thực tế phát triển Thủ đô thời gian vừa qua, nhất là sau khi sự việc đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại Khương Hạ, cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini khác cho thấy định hướng xây dựng định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường nhấn mạnh. Ông cho rằng, đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó công tác quản lý chưa nghiêm.
Ông cũng chỉ ra, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, sơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và của Thành phố đã đặt ra từ rất lâu song triển khai rất chậm chạp. Nhấn mạnh điều này, ông nêu rõ, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật trình phiên họp lại chưa có dự thảo quyết định biện pháp và lộ trình di dời. “Theo quy định tại Điều 11 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án Luật”, ông Bùi Văn Cường nói.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, qua vụ cháy chung cư mini vừa qua cho thấy, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng vô cùng quan trọng. Ông cho biết, trong vụ việc này cấp phép cho xây dựng 6 tầng thôi, nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm. "Với mật độ xây dựng trong khu vực này mà cho phép xây dựng 6 tầng thì vô cùng bất cập, ví dụ chỉ nên cho xây 2 - 3 tầng", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói và đề nghị giao TP. Hà Nội quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch cụ thể, vào những địa bàn cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, an toàn lâu dài.
Nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình
Theo Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Theo đó, về mô hình tổ chức: Thực hiện mô hình tổ chức chính quyền Thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hà Nội. Đồng thời, tăng cường năng lực của Hội đồng nhân dân Thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14 (Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ đại biểu chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương...).
Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô: Để góp phần chuẩn hóa, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Điều 16 quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.
Về phát triển văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô: Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hóa văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định các cơ chế để phát triển văn hóa, giáo dục, trong đó có một số cơ chế nổi bật sau: Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 06 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa); Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học...
Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9