Nhiều điểm mới của Luật Căn cước người dân cần biết từ 1/7

PHAN NY - THIỆN TÙNG - XUÂN AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/7/2024, 21:00

(HTV) - Từ ngày 1/7, Luật Căn cước 2023 sẽ bắt đầu có hiệu lực với nhiều quy định mới có tác động sâu rộng đến người dân và các cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy là từ ngày mai 01/7, Luật Căn cước 2023 bắt đầu có hiệu lực, chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Thẻ căn cước mới sẽ bỏ trường thông tin quê quán, vân tay và đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước. Cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Xác định sinh trắc học mống mắt là nội dung mới, bắt buộc theo quy định của Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 01/07/2024, cùng với việc vẫn xác định dấu vân tay như trước đây, điểm mới này của Luật giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dữ liệu dân cư tại các địa phương.

Trung tá Đỗ Huy Hoàng - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính, Công an (CA) Quận 10, TP.HCM cho biết: "Sinh trắc học mống mắc theo Luật căn cước mới đảm bảo cho những trường hợp không thể lấy được dấu vân tay, do khiếm khuyết hoặc nhiều lý do khác. Trên tinh thần đảm bảo dữ liệu "đúng đủ sạch sống", cán bộ chiến sĩ đang khẩn trương để cấp căn cước mới theo quy định từ 1/7 này".

Trong rất nhiều điểm mới được quy định trong Luật Căn cước 2023, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho công dân gốc Việt chưa xác định được quốc tịch là nội dung được CA TP.HCM đánh giá mang tính nhân văn cao.

Hai mẹ con chị Sây Phương Trinh có cha và ông là người Campuchia, mẹ và bà ngoại là người gốc Việt, sinh sống tại Phường 1, Quận 10 từ sau năm 1975, và đến nay vẫn chưa xác định quốc tịch. Với sự hỗ trợ từ Đội cảnh sát quản lý hành chính, Công an Quận 10, chị Sây Phương Trinh giờ đây được xác định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước. 

Chị Sây Phương Trinh, Quận 10, TP.HCM cho biết: "Tôi rất vui khi mà tôi có thể có đầy đủ các giấy tờ công dân cho tôi tham gia vào các hoạt động với giấy chứng nhận căn cước công dân. Tôi nghĩ nội dung mới này từ Luật Căn cước mới thật sự rất nhân văn".

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội (PC06), Công an TP.HCM: "Những người có mối quan hệ huyết thống với người có quốc tịch hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, chúng tôi xác định trên cơ sở đó. Khi mà có thêm lượng thông tin này thì công tác quản lý cũng được nâng lên, tích hợp với cơ sở dữ liệu căn cước thì nhiều điểm lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý"

Theo Luật Căn cước 2023, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng các thông tin cá nhân, cùng những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân, được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam.

Việc quy định thông tin trên thẻ căn cước như trên sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

"Theo Luật Căn cước thì sự tích hợp thông tin giấy tờ trong căn cước sẽ có giá trị rất lớn, mang tính thuận tiện cao cho người dân. Những giấy tờ quan trọng như giấy khai sinh, bằng lái hay đăng ký xe sẽ được thay thế mang cùng giá trị với số căn cước của công dân". Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho hay.

Công an TP.HCM cũng cho biết, đơn vị hiện vẫn đang thực hiện kế hoạch 1878 để giải quyết cấp đăng ký khai sinh, cấp mã số định danh, CCCD cho những nhân khẩu đặc biệt, chưa có giấy tờ tùy thân trên địa bàn TP, với phương châm "không để ai ở lại phía sau", cố gắng hỗ trợ để tất cả người dân có giấy tờ tùy thân và phải có được thông tin đưa lên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: