(HTV) - Dịp cận Tết, các chiêu trò lừa đảo ngân hàng gia tăng với thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài khoản và tiền của người dùng. Việc nâng cao cảnh giác là cần thiết để bảo vệ tài sản.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng cao cũng kéo theo tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp.
Nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng cao kéo theo tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp
Gần đây, nhiều người dùng bất ngờ nhận được cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản của họ bị khóa và yêu cầu làm theo hướng dẫn để mở lại. Tuy nhiên, đây thực chất là một chiêu lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút sạch tiền của người dùng.
Các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo
Theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia bảo mật và nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, các đối tượng này chỉ cần nắm được số tài khoản ngân hàng của nạn nhân là có thể sử dụng nhiều thủ thuật để thực hiện việc khóa tài khoản. Cách phổ biến nhất là cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần, khiến tài khoản tự động bị khóa trên ứng dụng hoặc website ngân hàng.
Ông Ngô Minh Hiếu chia sẻ: "Những đối tượng này thường gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu khách hàng đăng nhập vào một đường link giả mạo. Các ứng dụng ngân hàng giả mạo này thường có đuôi .apk. Khi người dùng đăng nhập, họ sẽ bị chiếm quyền kiểm soát thiết bị. Kẻ gian sau đó dễ dàng lấy cắp thông tin đăng nhập, mã OTP, và thậm chí có thể chuyển tiền bằng cách sử dụng khuôn mặt của chính nạn nhân ngay trên điện thoại. Hậu quả là toàn bộ tiền trong tài khoản sẽ bị rút sạch."
Trước tình trạng này, các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "cuỗm" tiền từ tài khoản. Ông Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh rằng các hình thức lừa đảo này ngày càng tinh vi và có thể biến tấu để phù hợp với từng hoàn cảnh, nhưng mục tiêu chung vẫn là chiếm quyền kiểm soát thiết bị và tài khoản ngân hàng của người dùng.
Ông chia sẻ thêm: "Những kịch bản lừa đảo này khá giống với việc giả mạo các ứng dụng của dịch vụ công như VNeID, VSSID, Dịch vụ công, ETax, EVN điện lực… Tuy có khác biệt nhỏ, nhưng mục tiêu chung vẫn là lấy quyền kiểm soát thiết bị và rút tiền từ tài khoản. Do đó, người dùng cần ghi nhớ: mật khẩu và mã OTP là thông tin tuyệt mật, không chia sẻ với bất kỳ ai. Đồng thời, không cài đặt ứng dụng lạ và không nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc. Các ngân hàng chính thống sẽ không bao giờ yêu cầu mã OTP từ khách hàng."
Tính năng "Ứng dụng chính thức của Chính phủ"
Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ người dân trước các hành vi lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google đã ra mắt tính năng "Ứng dụng chính thức của Chính phủ". Tính năng này giúp người dùng dễ dàng phân biệt và xác minh các ứng dụng chính thống, từ đó đảm bảo an toàn trực tuyến và giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo.
Hãy luôn cảnh giác và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9