Cần có chế tài đủ mạnh đối với quảng cáo trên mạng

KIM KHÁNH – NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 8/11/2024, 19:21

(HTV) - Chiều 08/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; và Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu đánh giá, Luật đã bổ sung nhiều quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. 

Tuy nhiên, theo các đại biểu, còn nhiều nội dung cần được bổ sung, làm rõ, đặc biệt là cần tính toán hết các nền tảng, dạng thức truyền thông đang có ở hiện tại và có thể phát sinh trong tương lai.

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn Đại Biểu Quốc hội TP.HCM

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn Đại Biểu Quốc hội TP.HCM nhận định: “Liên quan đến quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự Điều 33 của Luật Quảng cáo 2012. Hiện nay hệ lụy của loa phóng thanh, loa quảng cáo, loa kẹo kéo.. quá giờ, không đúng nơi quy định, gây ra hệ lụy về an ninh trật tự. Đề nghị xem xét sửa đổi quy định Điều 33 này lại về khung giờ, độ ồn được phép khi quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự”. 

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ sự quan ngại về các clip ngắn trên mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok. Dù không mang hình thức quảng cáo truyền thống, nhưng rõ ràng đây là một hình thức quảng cáo trá hình hiệu quả. Hiện nay, chưa có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý và định hướng phát triển loại hình quảng cáo này.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, việc xử phạt những đơn vị chuyển tải quảng cáo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với quảng cáo trên mạng, do vậy cần có chế tài đủ mạnh.

Đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, nhiều đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng kết về việc thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 để rút ra những bài học kinh nghiệm và làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị chương trình cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp cho người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định rằng Dự thảo hiện tại chỉ đề cập đến việc tổ chức học văn hóa cho người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi, bỏ qua các vấn đề quan trọng như học nghề, tái hòa nhập cộng đồng và điều trị bệnh nghiện. Việc thiếu các hoạt động này có thể dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao sau khi kết thúc quá trình cai nghiện. 

Về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu lưu ý việc sửa đổi phải quan tâm đến phát triển xanh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành trong quản lý hóa chất, tránh tình trạng người dân dễ dàng mua hóa chất để sử dụng sai mục đích.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: