Xung đột Hamas - Israel tròn 6 tháng, căng thẳng chưa hạ nhiệt

VIỆT HÙNG - VIỆT TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/4/2024, 21:00

(HTV) - Ngày 07/4 đánh dấu tròn 6 tháng xung đột Hamas - Israel. Khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra, Gaza rơi vào khủng hoảng nhân đạo. Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà thậm chí đối mặt với nguy cơ lan rộng.

Theo cơ quan y tế Gaza, hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch trả đũa Hamas của Israel nhằm vào dải đất này. Xung đột cũng đã đẩy Gaza vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến hơn 80% dân số Gaza phải di dời và hơn một triệu người trên bờ vực nạn đói.

Toàn bộ dân số Gaza không đủ ăn, phân nửa đứng trước nguy cơ rơi vào nạn đói. Nguồn ảnh: EPA

6 tháng trôi qua, Liên Hiệp Quốc cảnh báo về nguy cơ nạn đói và phàn nàn về những khó khăn trong việc đưa viện trợ vào và phân phối khắp Gaza.

6 tháng xung đột Hamas-Israel: Gaza rơi vào khủng hoảng nhân đạo, viện trợ gặp khó khăn

Các quan chức Israel cho biết họ đã tạo điều kiện để hàng viện trợ được tăng cường đưa vào Gaza và phủ nhận trách nhiệm trong việc trì hoãn. Phía Israel cũng nói rằng, việc vận chuyển hàng viện trợ bên trong Gaza là trách nhiệm của các cơ quan nhân đạo và quốc tế. Tel Aviv cũng cáo buộc các tay súng Hamas trộm hàng viện trợ. Hamas đã bác bỏ cáo buộc này.

Thả hàng viện trợ từ trên không xuống Gaza - biện pháp cứu trợ “bất đắc dĩ” của các nước. Nguồn ảnh: Bộ Quốc phòng Anh (UK MOD)

Quyết tâm theo đuổi mục tiêu xóa sổ Hamas bất chấp những hậu quả nhân đạo thảm khốc tại Gaza đang khiến chính phủ Israel chịu áp lực từ nhiều phía. Các cuộc biểu tình trong nước ngày càng trở nên rầm rộ, trong khi trên trường quốc tế, Israel ngày càng bị cô lập và hứng chịu chỉ trích từ những đồng minh thân cận nhất.

Số người tham gia các cuộc biểu tình hàng tuần tại Tel Aviv và Jerusalem ngày càng tăng. Hàng ngàn người chặn các tuyến đường chính, yêu cầu chính phủ Israel nỗ lực hơn nữa để các con tin được trở về. Nhiều người cũng muốn Thủ tướng Netanyahu từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Gidenon Schurr - người biểu tình tại Jerusalem, cho rằng: “Chính phủ đã thất bại trong việc bảo vệ đất nước, trong việc bảo vệ những con tin bị giam tại Gaza quá lâu.”

Đám đông biểu tình tại Tel Aviv ngày 07/4/2024. Nguồn ảnh: AP

Sau nhiều tháng kêu gọi Israel thay đổi chiến thuật quân sự, đồng minh Mỹ giờ đây đưa ra tối hậu thư đối với Israel, yêu cầu hạn chế thương vong tại Gaza, nhất là sau cuộc tấn công của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng. 

Cho đến nay, ông Biden vẫn từ chối đặt ra các điều kiện cho việc chuyển giao vũ khí cho Israel.

Mỹ gia tăng áp lực, nhưng chưa đặt điều kiện viện trợ cho Israel

Tổng thống Mỹ đưa ra “tối hậu thư” đối với Israel. Nguồn ảnh: EPA-EFE

Chỉ vài giờ sau lời kêu gọi của Mỹ, chính phủ Israel đã công bố một số bước nhằm tăng cường dòng viện trợ đến Gaza, bao gồm mở cảng Ashdod và cửa khẩu Erez vào phía bắc Gaza, cũng như tăng cường chuyển hàng viện trợ từ Jordanie. 

Cuộc tấn công vào đoàn xe của WCK đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu. Trong số 7 người thiệt mạng có 6 nạn nhân là tình nguyện viên từ các nước đồng minh của Israel. Israel thừa nhận vụ tấn công là một sai lầm nghiêm trọng bắt nguồn từ việc nhận dạng nhầm. 

Tuy nhiên, hãng tin CNN dẫn lời cựu sĩ quan pháo binh và chuyên gia về đạn dược của Quân đội Anh Chris Cobb-Smith, máy bay không người lái bắn tên lửa thường được vận hành cùng với máy bay không người lái giám sát, đồng nghĩa với việc quân đội Israel có tầm nhìn toàn cảnh về những chiếc xe, bao gồm cả logo WCK trên xe.

WCK đã kêu gọi điều tra độc lập về vụ việc. Tổ chức này, cùng một số tổ chức viện trợ khác, đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại Gaza, làm dấy lên lo ngại tình hình nhân đạo tại Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Vụ tấn công vào đoàn xe WCK - “giọt nước tràn ly” khiến Mỹ thay đổi thái độ với Israel. Nguồn ảnh: Anadolu

Thủ tướng Netanyahu đặt ra hai mục tiêu cho chiến dịch tại Gaza: tiêu diệt Hamas và đưa con tin trở về nhà. Tuy nhiên, bất chấp việc ông liên tục cam kết sẽ đạt được “chiến thắng toàn diện”, những mục tiêu này vẫn đang ngoài tầm tay. 

Ông Netanyahu từng nhiều lần tuyên bố sẽ sơ tán 1,3 triệu người Palestine đang lánh nạn tại Rafah và đưa quân vào thành phố này.

Ngày 07/4, tròn 6 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, quân đội Israel thông báo sẽ rút phần lớn lực lượng khỏi thành phố Khan Younis ở Nam Gaza, đưa mức hiện diện quân đội của Israel xuống mức thấp nhất trong nửa năm qua. Theo các quan chức quốc phòng, Israel đang tập hợp lại lực lượng để chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ vào Rafah.

Kế hoạch đưa quân vào Rafah của Israel vấp phải sự phản đối do lượng lớn người Palestine lánh nạn tại đây. Nguồn ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nếu Israel mở chiến dịch trên bộ tại Rafah, không có gì đảm bảo rằng Israel sẽ đạt được thành công dài hạn. 

Israel tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 13.000 tay súng Hamas và loại bỏ khả năng chiến đấu của nhóm này khắp hầu hết Gaza, nhưng các tay súng Hamas vẫn tìm cách tập hợp lại ở những khu vực mà Israel từng tuyên bố chiến thắng.

Bất chấp những gì mà Gaza đã hứng chịu, theo khảo sát hồi tháng 3 của Trung tâm nghiên cứu chính sách và khảo sát Palestine (PSR), tỷ lệ hài lòng của người dân Gaza đối với vai trò của Hamas trong cuộc chiến vẫn ở mức 70%.

Trong khi đó, Israel vẫn đang giao tranh với nhóm vũ trang Hezbollah tại Liban. Khác với Hamas, kho vũ khí của Hezbollah lớn hơn nhiều và vẫn còn nguyên vẹn.

Đám đông người biểu tình tại Iran lên án vụ tấn công tại thủ đô Damascus của Syria hôm 01/4

Căng thẳng tại Trung Đông cũng chứng kiến bước leo thang khi toà nhà lãnh sự của đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria bị tấn công. 7 quan chức Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiệt mạng, trong đó có Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Quds của IRGC. Đây là quan chức cấp cao nhất của IRGC thiệt mạng kể từ sau tướng Qassem Soleimani trong vụ tấn công của Mỹ ở Baghdad, Iraq, hồi tháng 01/2020.

Nguy cơ xung đột lan rộng một khi Iran đáp trả Israel

Các mối đe dọa tại Biển Đỏ từ nhóm Houthi tại Yemen vẫn hiện hữu. Ngày 07/4, nhóm này cho biết đã triển khai drone và tấn công lửa nhằm vào các tàu Israel, Mỹ và Anh tại Biển Đỏ, Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương trong vòng 72 giờ.

Trong những tháng qua, các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận tải qua Kênh đào Suez, buộc các công ty chuyển sang các tuyến đường dài hơn và tốn chi phí hơn phía Nam Châu Phi.

Chờ đợi tiến triển từ các cuộc đàm phán ngừng bắn. Nguồn ảnh: Reuters

Nửa năm đã trôi qua, xung đột Hamas - Israel vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin vẫn chưa đạt được đột phá. Một thành viên Hamas ngày 08/4 cho biết, vòng đàm phán tại Cairo, Ai Cập, với sự tham gia của các phái đoàn Hamas, Israel, Qatar và Mỹ, đã không đạt được tiến triển nào. 

Israel, Palestine và cộng đồng quốc tế cũng chưa đạt được đồng thuận về tương lai của Gaza, trong khi giới phân tích nhận định: thành công trên chiến trường sẽ gần như vô nghĩa nếu không có một tầm nhìn chính trị thời hậu chiến.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: