(HTV) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng nay, tại hội trường, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra một số dự án Luật, Nghị quyết và thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Các vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Góp ý nhằm hoàn thiện các quy định cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách và chế độ ưu đãi đối với người làm việc trong môi trường phóng xạ, quy định về hoạt động mua bán chất phóng xạ.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM
“Trong Điều 14 về công việc bức xạ, chúng tôi đề nghị bổ sung quy định về hoạt động mua bán, vận chuyển chất phóng xạ, vốn đang được sử dụng rộng rãi trong các máy PET/CT tại nhiều cơ sở y tế để phục vụ điều trị ung thư. Liên quan đến Điều 16, Khoản 3 về cơ sở chiếu xạ, chúng tôi kiến nghị bổ sung "cơ sở chiếu xạ túi máu và chế phẩm máu". Đây là một hoạt động thiết yếu tại hầu hết các bệnh viện hiện nay để xử lý túi máu trước khi sử dụng cho ghép tạng hoặc ghép tủy. Nếu chúng ta không có quy định về cơ sở chiếu xạ túi máu và chế phẩm máu thì các hoạt động chiếu xạ này phải dừng lại, các hoạt động ghép tạng cũng dừng luôn”, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định.
Về chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân, nhiều đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền hợp lý. Bên cạnh đó, cần tham vấn ý kiến cộng đồng cũng như quản lý chặt chẽ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, quy định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan khi xảy ra sự cố phóng xạ.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhận định, trước khi quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân, cơ quan chuẩn bị dự án có trách nhiệm tham vấn cộng đồng dân cư tại khu vực dự kiến xây dựng bằng các hình thức cụ thể, phù hợp như hội thảo, đối thoại trực tiếp, khảo sát xã hội học, lấy ý kiến bằng văn bản... Báo cáo kết quả tham vấn cộng đồng phải được lập thành văn bản và gửi theo hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư để cơ quan có thẩm quyền quyết định. 
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cân nhắc bổ sung nguyên tắc "trách nhiệm mở rộng" đối với tổ chức, cá nhân làm phát sinh chất phóng xạ. Nguyên tắc này cần quy định rõ ràng rằng họ phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với chất thải do mình tạo ra, kể cả khi đã chuyển giao cho bên thứ ba. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thiếu quy định này có thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc gây ra gánh nặng xử lý môi trường cho nhà nước, đặc biệt khi doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc cố ý trốn tránh nghĩa vụ.
Giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, điện hạt nhân hiện trở thành chiến lược quốc gia. Theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân chiếm 10-35% tổng điện quốc gia. Công nghệ điện hạt nhân hiện nay ở thế hệ thứ 4 tương đối an toàn. Theo Bộ trưởng, việc bảo đảm an toàn trong phát triển điện năng lượng hạt nhân và an toàn hạt nhân nói riêng sẽ do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9