(HTV) - Nhiều trường đại học ở TP.HCM điều chỉnh phương thức tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thích nghi với chương trình mới, tạo thêm cơ hội cho thí sinh.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng chương trình phổ thông mới với chỉ bốn môn thi. Điều này đặt ra không ít thách thức cho thí sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển đại học. Trước bối cảnh đó, các trường đại học tại TP.HCM đã nhanh chóng điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng linh hoạt, đa dạng và phù hợp hơn với định hướng đổi mới.
.webp)
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, nhà trường chỉ thực hiện một phương thức xét tuyển tổng hợp, gồm 5 đối tượng và điều kiện dự tuyển. Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách Khoa, việc rút gọn phương thức giúp thí sinh nộp hồ sơ một lần, còn việc quy đổi điểm sẽ do trường thực hiện theo thang điểm 100. Cách làm này giúp giảm áp lực và tạo điều kiện để thí sinh tập trung định hướng ngành nghề.
.webp)
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách Khoa
Trường Đại học Công Thương TP.HCM bổ sung thêm các môn như Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật vào tổ hợp xét tuyển một số ngành. Đồng thời, trường còn mở rộng phương thức xét tuyển thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Đại học Công Thương cho biết, năm nay trường xét tuyển thêm khối C cho ngành mới là Du lịch và Luật, với tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 8.300.
Trường Đại học Văn Lang cũng lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực V-SAT và đồng thời mở rộng các tổ hợp môn xét tuyển. TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, trường không giới hạn tổ hợp xét tuyển để đảm bảo phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhu cầu đa dạng của thí sinh.
.webp)
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc giảm số lượng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm giảm khả năng linh hoạt của học sinh trong lựa chọn ngành học. PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhìn nhận, nếu thí sinh đã xác định sớm hướng đi thì số môn thi ít có thể giúp thể hiện rõ quyết tâm, nhưng mặt khác cũng dễ khiến các em gặp khó khăn nếu muốn chuyển hướng hoặc chưa có định hướng rõ ràng.
Việc giảm số lượng môn thi tốt nghiệp THPT có thể tạo điều kiện cho những thí sinh đã có định hướng rõ ràng
Việc điều chỉnh tuyển sinh không chỉ giúp thí sinh có thêm lựa chọn mà còn góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học, đồng thời cho thấy sự thích ứng nhanh của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9