Ủy ban kinh tế của Quốc hội lấy ý kiến về dự án sửa đổi Luật hợp tác xã

28/3/2023, 10:08

(HTV) - Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật. Hiện nay, dự thảo Luật gồm 12 Chương, 113 Điều. 

Cho ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới toàn diện, tháo gỡ tối đa các rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền tự chủ, phát huy các giá trị của mô hình hợp tác xã, dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, cũng như phù hợp và thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan. 

Ông Lê Tuấn Tài - Phó Chủ Tịch LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TP.HCM kiến nghị bổ sung vào luật hợp tác xã sửa đổi nội dung: "Cho phép dùng quỹ chung không chia vào việc tăng vốn điều lệ; đề nghị là ghi tăng vốn điều lệ và ghi giảm quỹ chung không chia và phần tăng này không phải là sỡ hữu của thành viên góp vốn có nguồn gốc từ quỹ chung không chia, do đó cũng không được rút vốn dưới bất kì hình thức nào." 

Đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận nội dung liên quan đến chính sách để phát triển hợp tác xã; mong muốn xác định rõ nội hàm lực lượng chuyên trách gồm những lực lượng nào để có chính sách, trang bị cho phù hợp, tránh chung chung, dàn trải gây lãng phí. 

Bà Lê Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết: "Trong đây tổ hợp tác thì không có tư cách pháp nhân, trong khoản 25 điều 4, thì tôi đề nghị quy định lại là tổ hợp tác phải có tư cách pháp nhân vì trong luật, đối tượng áp dụng  cũng đã bao gồm tổ hợp tác rồi, nên phần này cũng nên có quyền đảm bảo cho tổ hợp tác hoạt động."

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng cho các hợp tác xã để chúng ta cụ thể hóa trong luật nội dung của nghị quyết 20, bởi vì hiện nay, trình độ của đa số hợp tác xã trong vấn đề này còn rất thấp; khi cụ thể hóa thì sẽ có lộ trình đào tạo bao nhiêu hợp tác xã để tiến tới xu hướng hợp tác xã khoa học công nghệ và chuỗi giá trị thì mới được.

Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện về nội dung dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các quy định để thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20, một số việc lớn, phù hợp có tính chất cụ thể có thể nghiên cứu luật hóa ngay; các quy định về tiếp cận thị trường tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế, phí.

>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: