TP.HCM tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nghị quyết mới

TẤN TÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/6/2023, 15:48

(HTV) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54 của Quốc hội, qua đánh giá tổng kết, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch.

Bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Trong khi đó, Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị là: 

"TP.HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới".

Hướng tới các mục tiêu này, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. 

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, Nghị quyết 54 đã triển khai 5 năm, nhưng khuôn khổ pháp luật hiện tại chưa thể điều phối bao quát. Vì vậy, đòi hỏi khung pháp lý mới. Và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 khắc phục những điều còn hiện hữu. 

“Nghị quyết lần này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo động lực phát triển, huy động nguồn lực ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền, tháo gỡ cho TP. Thủ Đức. Với kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 54, việc chuẩn bị đội ngũ là hết sức quan trọng” - đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV, đồng thời là thành viên tham gia đóng góp ý kiến, soạn thảo cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh sự đóng góp của TP.HCM cho cả nước.

Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, tổng thu ngân sách của thành phố đạt 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM đã chuyển cho Trung ương 1,6 triệu tỷ đồng. 

TP.HCM đã chuyển cho Trung ương 1,6 triệu tỷ đồng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định: “Chiếc áo thể chế hiện nay đã chật, cho nên chúng ta cần cơ chế mới. Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 ra đời để thành phố có thể tăng tốc phát triển, từ đó sánh vai với các thành phố trong khu vực và thế giới.”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết cơ chế mới rất quan trọng

Không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức, tạo động lực phát triển mới cho riêng TP.HCM, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 còn là cơ sở tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế cả vùng.

Về vấn đề này, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay: “Đó cũng là cơ sở để TP.HCM và các tỉnh lân cận phát triển liên kết vùng và thu hút đầu tư trong giai đoạn tới. Hiện nay, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đã có quy định để TP.HCM xác định ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn tới”.

 

Toàn cảnh uộc họp lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ, phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát, có quản lý. 

Tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng cơ chế, chính sách phải tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

 Cụ thể, “quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại kỳ họp

Có thể thấy, một cơ chế vượt trội và đột phá để khai phóng hết tiềm năng, dư địa, lợi thế, giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững là những gì mà TP.HCM đang kỳ vọng hướng và cả nước và cả nước cũng kỳ vọng về TP.HCM.

 

Ý kiến của bạn: