(HTV) - Việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm sản xuất từ hoạt động nông nghiệp nhằm hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn.
Để đáp ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giảm phát thải của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vừa tổ chức tập huấn phương pháp "Tái sử dụng cỏ khô và phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò thịt" cho các nhà khoa học, nông dân Việt Nam và một số quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.
Tập huấn phương pháp "Tái sử dụng cỏ khô và phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò thịt"
Mục tiêu của đợt tập huấn giúp cho các nhà khoa học và nông dân nắm được phương pháp tái sử dụng những nguồn thức ăn thô, khô như rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi cho thú nhai lại như trâu, bò. Việc tái sử dụng những nguồn phụ phẩm sản xuất từ hoạt động nông nghiệp này nhằm hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái tốt hơn.
Mục tiêu giúp các nhà khoa học và nông dân nắm được phương pháp tái sử dụng những nguồn thức ăn thô
Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Chúng ta có những phương pháp như xử lý kiềm hóa rơm hoặc lên men vi sinh để làm cho cọng rơm mềm ra, tăng khả năng tiêu hóa trong đường tiêu hóa của con bò. Như vậy, tăng khả năng sử dụng phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cho bền vững và tái tuần hoàn trở lại".
Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Theo các chuyên gia, phương pháp ủ rơm bằng men vi sinh cũng sẽ giúp người nông dân tránh thất thoát nguồn rơm rạ khi thu hoạch vào mùa mưa, giảm phát sinh khí metan. Tại Việt Nam, ước tính nguồn rơm rạ được tạo ra hàng năm là rất lớn, khoảng 50 triệu tấn/ năm. Tái sử dụng nguồn tài nguyên rơm rạ hiệu quả, đúng mục đích không chỉ giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn góp phần cải thiện sinh kế đáng kể cho nông dân trồng lúa.
Ủ rơm bằng men vi sinh nhằm tránh thất thoát rơm rạ, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế cho nông dân
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9