(HTV) - Dự kiến trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ công bố nền tảng Lắng nghe mạng xã hội, để từng quận, huyện biết người dân đang quan tâm đến vấn đề gì.
Ngày 07/12, kỳ họp thứ 13 HĐND khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2 với nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm là chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND Quận 12 và Giám đốc các Sở.
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Đây cũng là lần đầu tiên các đại biểu HĐND chất vấn ngẫu nhiên Thủ trưởng của các Sở ngành, khác với trước đây là thông báo cụ thể chất vấn một Giám đốc Sở.
Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; Phạm Thành Kiên - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM.
Các đại biểu trao đổi tại kỳ họp
Trước đó tại phiên thảo luận tổ chiều 06/12, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng việc chuyển đổi số hiện nay chưa đạt yêu cầu đề ra; có xu hướng nghiêng về tin học hóa, chưa thực sự là chuyển đổi số. Do đó, TP.HCM cần tập trung xây dựng các nền tảng, hệ thống dữ liệu dùng chung, chuyển đổi dữ liệu, liên thông dữ liệu giữa các sở ngành, quận huyện.
Trả lời các ý kiến của đại biểu về công tác chuyển đổi số tại thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, những năm vừa qua cách thức triển khai công nghệ thông tin của TP.HCM đã có nhiều sự thay đổi. Chẳng hạn như chuyển mua sắm đầu tư hệ thống riêng lẻ sang tập trung xây dựng nền tảng số mang tính quy mô, thống nhất trên toàn TP.HCM.
Toàn thành phố đang vận hành 14 nền tảng lớn, trong năm 2023 tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng. Lấy ví dụ về tổng đài 1022, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết hệ thống này đã kết nối hơn 700 đơn vị/đầu mối chịu trách nhiệm với 18 lĩnh vực được tiếp nhận và xử lý.
Nền tảng này đã giúp thành phố tạo lập khi dự liệu các vấn đề người dân quan tâm, phản ánh, các điểm nóng để kịp thời xử lý. Nhờ đó, tỉ lệ giải quyết trễ hạn các kiến nghị của người dân giảm từ 3% năm 2022 xuống còn 0,45% năm 2023.
Đáng chú ý, trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ công bố nền tảng mới là Lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), dùng trí tuệ nhân tạo, dùng chung cho toàn bộ TP.HCM.
“Như vậy từng quận, huyện sẽ biết người dân quan tâm đến lĩnh vực của mình hàng tuần gồm vấn đề gì. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi hôm nay, tuần này vấn đề người dân quan tâm đến TP.HCM là gì?” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng thông tin.
TP.HCM cũng đã chuyển từ cách thức xây dựng sang thuê dịch vụ, đồng thời, chuyển từ tin học hóa quy trình hiện có thành kiến tạo quy trình mới.
Trong 3 năm qua, thành phố liên tục tăng hạng và đứng trong nhóm 5 tỉnh thành về chuyển đổi số. Hiện nay, TP.HCM đứng thứ 2 cả nước về chỉ số chuyển đổi số (với 8 lĩnh vực được đánh giá), trong đó, đứng đầu về chỉ số thể chế và chỉ số Hạ tầng số. Cổng Dịch vụ công TP.HCM được xếp hạng 4/63 tỉnh thành, mức A. Gần đây nhất, UBND TP.HCM vừa được Hội đồng giải thưởng ASOCIO lựa chọn trao giải thường cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và mong muốn của chúng ta thì còn hạn chế, còn nhiều điều cần phải làm. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một quá trình về cả giải pháp công nghệ lẫn kiến tạo thể chế, tái cấu trúc quy trình - nghiệp vụ, cần thời gian và lộ trình để chuyển đổi.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định, chủ đề năm 2024 của TP.HCM là chuyển đổi số, tuy có nhiều thách thức lớn nhưng sẽ là động lực để toàn hệ thống chính trị thành phố, các cấp, ngành cùng quyết tâm hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị xây dựng hạ tầng số đồng bộ từ thành phố đến phường xã thị trấn. Để khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, thành phố dự kiến thành lập Trung tâm Chuyển đổi số hỗ trợ cho các đơn vị; đẩy mạnh hình thức thuê dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tại chỗ,…
Sở kiến nghị TP.HCM cần đầu tư cơ sở hạ tầng từ TP.HCM đến phường, xã. Tập trung cho cơ sở dữ liệu số hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; kết nối được hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương để khai thác cho thành phố. Kiên trì đầu tư ứng dụng mang tính chất nền tảng, không để ứng dụng rời rạc, riêng lẻ.
“Năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành hai hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng” - ông Thắng nói và cho biết TP.HCM dự kiến thành lập trung tâm chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thuê dịch vụ để có nguồn nhân lực bảo trì, bảo dưỡng.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng tham mưu lãnh đạo TP.HCM quản trị trên các nền tảng số để việc vận hành công việc ngày càng hiệu quả hơn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9