UBND TP.HCM vừa kiến nghị Trung ương về cơ chế, chính sách đối với công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Theo đó, UBND TP kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, trong đó quy định rõ các loại kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp; quy định chế tài đối với trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh hoặc không hợp tác, không tiếp đoàn kiểm tra, không cử người đại diện có thẩm quyền tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu việc sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng quy định việc doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, thành viên, cổ đông; chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp; tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định hiện hành hoặc ban hành Nghị định mới quy định việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, không được kinh doanh đối với địa chỉ vi phạm có thời hạn… khi doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng lề đường làm nơi để xe, kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ… không chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm từ hai lần trở lên; quy định xử lý trường hợp doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh tại địa điểm mà không phù hợp quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị… thuộc trường hợp đình chỉ, bắt buộc di dời hay thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nâng cấp Hệ thống thông tin hậu kiểm doanh nghiệp hiện có trong Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…
Bộ Tư pháp cần tham mưu việc sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung quy định đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, đình chỉ kinh doanh đối với địa chỉ vi phạm có thời hạn…; đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp do doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường xuyên để xảy ra vi phạm hành chính trong hoạt động của doanh nghiệp…; đình chỉ sản xuất kinh doanh, bắt buộc di dời, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi doanh nghiệp tiến hành hoạt động không tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị…; tăng mức phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh vi phạm nhiều lần cùng hành vi; đình chỉ kinh doanh có thời hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà còn tiếp tục tái phạm cùng hành vi.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn Điều 20 Luật Năng lượng nguyên tử quy định các cơ sở bức xạ phải báo cáo về chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng hàng năm cho Sở Khoa học và Công nghệ địa phương.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cần tham mưu Chính phủ bãi bỏ khoản 7 Điều 80 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở do không phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.