Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với UBND 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các các hiệp hội, hội, Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép.
Phát biểu mở đầu Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn...
Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Với các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây.
Trong đó, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng hàng đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng. Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100.000 tỷ đồng. Sứ vệ sinh đã được đầu tư với tổng công suất đạt 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25.000 tỷ đồng.
Kính đã được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày, đứng trong nhóm 05 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50.000 tỷ đồng. Vật liệu xây không nung đã đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng
Ngành thép trong giai đoạn 2011 - 2022 có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,25%. Sản lượng thép năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng rất cao với mức bình quân 27,11%/năm.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm. Tổng sản lượng sản xuất xi măng và clanhke cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn. Dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn (bằng 88% so với năm 2022). Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022)…
Thủ tướng cho biết, Chính phủ tổ chức Hội nghị này để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Do đó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; làm rõ nguyên nhân tình hình tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng từ năm 2023 đến nay lại sụt giảm lớn, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng phải phát triển theo quy luật thị trường, song có sự quản lý của Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân; vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn; khuyến khích sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng cần cơ chế chính sách gì; công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần thay đổi phương thức nào...
Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh cả nước đang tập trung thúc đẩy đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, dột nát và các công trình quan trọng khác, phải chăng nên có cơ chế để thúc đẩy tiêu thụ, kích cầu sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành vật liệu xây dựng chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600 ngàn tỷ đồng (chiếm gần 6% GDP quốc gia).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: baotintuc.vn
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9