Thị trường chứng khoán năm 2024: kỳ vọng mức tăng trưởng cao

THANH VÂN - HOÀN THIỆN - TẤN LỘC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/1/2024, 01:00

(HTV) - Tuần giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán trong năm 2024 vừa kết thúc. Kết quả cho thấy thị trường đã có sự đột phá về thanh khoản, chinh phục thành công mốc 1.150 điểm, leo lên mức cao nhất trong 3 tháng ở tuần giao dịch đầu tiên của năm

Hiện thị trường chứng khoán cũng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm; đặc biệt là mới đây, chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 hướng đến 6 mục tiêu cụ thể.

 Mục tiêu 2025: THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI

 - Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030;

 - Số lượng tài khoản giao dịch đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030;

 - Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo các chuyên gia, mục tiêu này hoàn toàn có khả năng để thực hiện khi hiện nay, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7% dân số và quy mô vốn hóa đạt 90% GDP. 

Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Mục tiêu vốn hóa thị trường thì chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được. Bởi vì, nếu chúng ta thực hiện hàng loạt các giải pháp, cũng như chúng ta nói, chúng ta đưa hệ thống KRX vào hoạt động để giao dịch, phát triển thêm nhiều sản phẩm, giao dịch. Tuy nhiên, chúng ta đang thất hứa việc đưa hệ thống này vào hoạt động vào cuối năm 2023. Tôi kỳ vọng hệ thống này sẽ sớm được đưa vào năm 2024. Ngoài ra, sau hệ thống này, chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý theo tiêu chuẩn nâng hạng để chúng ta có thể nâng hạng vào năm 2025, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Ước tính, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam và cơ hội nâng hạng này có thể nhìn thấy được ngay trong năm 2024.

Năm 2024 được coi là năm bứt phá trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5% và cũng sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đưa vào nền kinh tế mà ngân hàng cố gắng không đặt vấn đề tăng lãi suất.

Điều này cho thấy, kinh tế được kỳ vọng tốt hơn so với năm 2023. Đây cũng là cơ sở để các công ty chứng khoán, tổ chức đánh giá: bức tranh chứng khoán năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều gam màu sáng và sẽ sớm vượt qua nhiều lực cản cũng như tâm lý của nhà đầu tư.

So với thời điểm đầu năm, lãi suất gửi tiết kiệm hiện đang giảm tới 50%, nhưng đến nay, lượng tiền gửi tiết kiệm lại ghi nhận ở mức cao kỷ lục, cho thấy: thị trường chứng khoán vẫn chưa thu hút được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư và dòng tiền vẫn bị nén. 

Tiền gửi tiết kiệm vẫn cao, chứng khoán vẫn chưa hấp dẫn

Các công ty chứng khoán nhận định: khi thị trường thông suốt, dòng tiền lớn sẽ bùng nổ trở lại và thị trường sẽ tăng trưởng hơn 15% so với năm 2023; đồng thời có thể tiếp tục bứt phá lên ngưỡng 1.300 - 1.400 điểm; trong khi năm vừa qua VN-Index khép lại năm ở mốc 1.129 điểm.

Ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về thị trường trong năm 2024. Như ước tính, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẽ tăng trưởng 28%, bên cạnh đó, cầu và xuất khẩu cũng tăng, chính sách tài khóa nới lỏng, lãi suất giảm điều đó làm giảm khả năng rủi ro và chứng khoán Việt Nam xứng đáng có mức định giá cao hơn".

Trong ngắn hạn, VN-Index hiện vượt lên trên vùng đỉnh trước đó và đang mở ra cơ hội cho thị trường bước vào một xu hướng tích cực và rõ ràng hơn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: