(HTV) - Sau 6 tháng thực hiện đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, TP.HCM đạt nhiều kết quả đáng mừng.
Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào hoạt động ổn định. Thành phố đã triển khai hơn 1,500 dịch vụ công trực tuyến, xử lý hơn 181 nghìn hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn đang tồn tại khiến tiến trình thực hiện đề án còn chậm, nhiều kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Tại hội nghị tổng kết công tác này, các tham luận đã được trình bày nhằm tìm phương hướng tháo gỡ. Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện đề án chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã thẩm định 326 thủ tục hành chính các lĩnh vực, phê duyệt 131 quy trình nội bộ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Các quy trình này đã được tái cấu trúc, giảm được 200 giờ làm việc do bỏ bớt bước trung gian và 100% thủ tục hành chính đã được cập nhật và công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đề án 06 cũng đã được các đại biểu chỉ ra.
Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, những khó khăn hiện nay vẫn còn tồn tại là quy trình cấp định danh cá nhân còn phức tạp, một số kết quả dữ liệu còn sai lệch, chưa đồng bộ. Ngoài ra, dữ liệu trẻ em 6 tuổi chưa xác thực; các đối tượng diện bảo trợ xã hội cũng chưa có định danh.
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM bày tỏ: “Là cơ quan thường trực thực hiện đề án, chúng tôi rút bài học kinh nghiệm rằng, những đối tượng cần được hỗ trợ, bảo vệ khi thông tin chưa đủ thì phải phân loại và giải quyết. Nguyên tắc dễ làm trước khó làm sau. Chủ động tháo gỡ để thuận lợi cho nghiệp vụ của đơn vị. Trường hợp nào quá thẩm quyền mới báo xin ý kiến của thành phố”.
Bà Huỳnh Lê Như Trang chia sẻ tại Hội nghị
Hồ sơ đăng ký trên cổng dịch vụ công có nhiều, tuy nhiên, số lượng hồ sơ hoàn chỉnh và được giải quyết chỉ đạt khoảng 30 - 50%. Về vấn đề này, Thượng tá Lê Thị Liên Hồng - Phó trưởng Công an TP. Thủ Đức, TP.HCM giải thích: “Điều này là do điều kiện trang bị máy móc, cơ chế tài chính triển khai thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, một số bộ phận vẫn đang giải quyết công việc rất thủ công. Tỉ lệ giải quyết trực tuyến còn thấp."
Khẳng định quyết tâm TP.HCM phải hoàn thành nhiệm vụ phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu toàn hệ thống chính trị thành phố phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Các đồng chí Giám đốc Sở ngành phải chịu trách nhiệm, chỉ đạo sát sao, báo cáo kịp thời về thành phố. Ở xã phường thị trấn, phải hết sức tập trung công tác này. Cần tránh tình trạng một Sở ngành mà các bộ phận lại không hiểu và làm khác nhau”.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo
Thời gian tới, TP.HCM tập trung thực hiện 20 mô hình tiến tới nhân rộng, đồng bộ công tác phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, gắn với triển khai chiến lược công dân số và thanh toán không dùng tiền mặt.