Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở TP.HCM

THÚY QUYÊN - QUỐC SỬ - MINH TẤN 6/4/2023, 04:00

(HTV) - Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân do doanh nghiệp chịu tác động bởi suy giảm tổng cầu từ nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế bị ảnh hưởng, đơn hàng từ thị trường thế giới giảm và tình trạng có thể kéo dài đến giữa năm 2023. 

Đơn hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiếp tục sụt giảm sâu khiến hầu hết doanh nghiệp rơi vào khó khăn bởi không đủ nguồn vốn để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Trong số những khó khăn được nêu ra, nổi bật là hoạt động sản xuất công nghiệp đình trệ, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động trong khi lãi suất tăng cao, khó tiếp cận vốn. Những thách thức này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi cơ quan điều hành có thêm nhiều "trợ lực" để giúp doanh nghiệp tìm lại thế cân bằng ở các thị trường. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ Tịch Hội Mỹ Nghệ Và Chế Biến Gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ: "3 tháng đầu năm xuất khẩu giảm 30%, nội địa giảm 40-45%. Hiện doanh nghiệp căng thẳng nhất là thị trường và vốn. Với doanh nghiệp xuất khẩu thì vốn căng ở lãi suất. Ngân hàng dù có nguồn tiền vay mà lãi suất cao. Hiện các doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều nhưng lộ trình cần từ từ. Về lâu dài, 2 yếu tố căn bản của doanh nghiệp là yếu tố về con người, nguyên vật liệu đầu vào. Để có sự phát triển bền vững, đòi hỏi sản phẩm đa dạng. Khi guồng quay kinh tế trở lại thì thiếu về chất lượng và số lượng con người". 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ Tịch Hội Mỹ Nghệ Và Chế Biến Gỗ TP.HCM (HAWA) 

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, tình hình hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đang giảm mạnh, các doanh nghiệp bị tồn đọng rất nhiều hàng và gặp vấn đề về thanh khoản.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP.HCM cho hay: "Lượng vốn nằm trong hàng vật tư nguyên liệu, nàm trong thành phẩm chưa tiêu thụ được kể cả trong nước và hàng ở nước ngoài, nên chúng tôi bị nén lượng vốn rất lớn cho dòng vốn lưu động. Đề xuất với ngân hàng có chính sách kịp thời hỗ trợ dòng vốn lưu động để DN cầm cự, với dòng vốn này NH nên có xem xét chấp nhận chúng tôi tín chấp, thế chấp bằng vật tư nguyên liệu, thành phẩm".

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP.HCM

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng và chờ đợi vào các giải pháp của Chính phủ và TP.HCM trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhất là lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.
Đối với các doanh nghiệp đang có dự án ấp ủ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP cũng kiến nghị ngân hàng và cơ quan nhà nước hỗ trợ để được tiếp cận các dòng vốn dài hạn lãi suất dưới 10% và được gỡ vướng về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai để thế chấp.
"Để có nguồn vốn cho đầu tư dài hạn, chúng tôi cũng kiến nghị ngân hàng và cơ quan chức năng hỗ trợ, thứ nhất giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đất đai, để nguồn lực đất đai này được pháp lý hóa trở thành tài sản để DN thế chấp. Để tạo điều kiện đầu tư phát triển thì chúng tôi cũng kiến nghị với TP sớm khẩn trương xem xét và có ý kiến đối với chương trình kích cầu, hỗ trợ bao nhiêu để DN bắt tay vào làm, hiện nay có nhiều dự án đã được thẩm định xong chỉ chờ chủ trương này là sẽ triển khai ngay" theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP.HCM chia sẻ.Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thông tin, đến nay, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn TP.HCM, hệ thống các ngân hàng đã giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 14.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó liên tục hạ lãi vay để kích cầu tín dụng.

>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: