Thảm họa nhân đạo ở Rafah sau khi Israel kiểm soát cửa khẩu chính

NHẬT MINH - MAI LAN - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/5/2024, 09:19

(HTV) - Thành phố Rafah ở miền Nam Gaza đã rơi vào hỗn loạn sau khi Israel kiểm soát cửa khẩu chính giáp với Ai Cập. Dòng người Palestine đổ về khiến dân số Rafah tăng gần 6 lần, không đủ thực phẩm và nước uống, hệ thống y tế sụp đổ.

Người dân Palestine cố rời khỏi Rafah nhưng không biết nên đi về đâu. Nguồn ảnh: Reuters

Kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, gia đình Al-Kafarna - vốn sinh sống ở miền Bắc Gaza, đã phải nhiều lần đi sơ tán. Họ đã đến được thành phố Rafah, miền Nam Gaza nhưng một lần nữa phải thu dọn đồ đạc để tìm kiếm nơi trú ẩn mới.

Gia đình al-Kafarna đang di chuyển trên chiếc xe ngựa kéo đến khu vực Al-Mawasi ở Khan Younis, nhưng không rõ nơi này có đủ thực phẩm và nước uống cho họ hay không. 

Gia đình Al-Kafarna di chuyển trên xe ngựa kéo đến khu vực Al-Mawasi, Khan Younis. Nguồn ảnh: Reuters

Người dân mong mỏi chiến tranh chấm dứt để được trở về quê nhà ở miền Bắc Gaza. Nguồn ảnh: Reuters

Nơi nào mới thật sự an toàn? Đó là câu hỏi dường như không có lời đáp. Người dân khốn khó trăm bề và họ mong mỏi chiến tranh chấm dứt để được trở về quê nhà.

Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra, Rafah là nơi sinh sống của khoảng 250.000 người. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên thành 1,4 triệu do những người sơ tán khắp Gaza đổ về đây.

Đến nay, Israel đã ra lệnh sơ tán nhiều khu vực ở Rafah. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo họ sẽ không thể duy trì hoạt động ở Gaza trong thời gian tới vì nguồn cung cấp nhiên liệu và hàng cứu trợ đã bị tê liệt.  

Các bác sĩ ở Rafah cho biết việc Israel kiểm soát cửa khẩu chính ở đây, đang làm sụp đổ hệ thống y tế trong khu vực.

Các bác sĩ ở Rafah thiếu thốn thiết bị y tế và thuốc men để điều trị cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: Reuters

Bệnh viện chính Najjar ở Rafah đã ngừng hoạt động, gây áp lực lên lên các cơ sở y tế còn lại ở miền Nam Gaza. Các nhân viên y tế gần như phải làm việc liên tục 24 giờ trong một ngày.

Việc phong tỏa cửa khẩu Rafah giáp Ai Cập cũng đồng nghĩa với việc các bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp không thể rời khỏi Gaza. Không những vậy, các bác sĩ tình nguyện nước ngoài cũng không thể ra vào Gaza ở thời điểm hiện tại.

Lama Abu Holi có tên trong danh sách điều trị ở nước ngoài nhưng không thể rời khỏi Gaza. Nguồn ảnh: Reuters

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực cả trong và ngoài nước về kế hoạch đưa quân vào thành phố Rafah, miền Nam Gaza. Xung đột Hamas-Israel đã bước sang tháng thứ 8. Các cuộc khảo sát cho thấy Israel ngày càng chia rẽ sâu sắc về cách giải cứu hơn 130 con tin vẫn còn bị bắt giữ ở Gaza.

Gia đình và những người ủng hộ các con tin đã liên tiếp tổ chức biểu tình ở Israel trong thời gian qua, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để đổi lấy sự tự do của các con tin.

Người dân Israel biểu tình kêu gọi chính phủ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Nguồn ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người ủng hộ chiến dịch tấn công Rafah của chính phủ và lực lượng phòng vệ Israel IDF, vốn đã bắt đầu bằng các cuộc không kích và giao tranh ở khu vực ngoại ô thành phố.

Trong một tuyên bố, nhóm "những người mẹ của binh lính IDF" đại diện cho các gia đình có thành viên phục vụ trong quân ngũ đã hoan nghênh quân đội Israel tấn công Rafah để buộc Hamas phải đầu hàng.

David Taub - cư dân Israel sinh sống tại Jerusalem cho biết: "Tôi hoàn toàn không tin tưởng Hamas. Họ đang lừa dối chúng ta. Giải pháp duy nhất là chinh phục Rafah. Tôi hy vọng và cầu nguyện cho các con tin được trở về bình an."

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày càng trở nên bất đồng về vấn đề Gaza. Nguồn ảnh: Reuters

Ngay cả nội các thời chiến của Thủ tướng Netanyahu cũng bất đồng về kế hoạch tấn công Rafah. Hai nhân vật theo đường lối cứng rắn là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Itamar Ben-Gvir đã bác bỏ mọi hình thức thỏa hiệp với Hamas.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz  cựu tổng tư lệnh quân đội Israel, cũng muốn tiêu diệt Hamas, nhưng đồng thời bày tỏ lo ngại về mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ - vốn là đồng minh thân cận của Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã biết cách kiểm soát mối quan hệ phức tạp giữa hai bên. Thế nhưng, quan điểm của hai lãnh đạo này, ngày càng trở nên khác biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng trầm trọng thêm.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: