Sách hay cuối tuần: Những nét đặc sắc của tiếng Việt qua bộ sách "Tiếng Việt Giàu Đẹp"

PHƯƠNG THANH - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/9/2024, 12:17

(HTV) - Tại Đường sách TP.HCM, Nhà Xuất bản Trẻ đã tổ chức chương trình giao lưu cùng 5 tác giả có sách thuộc bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp, nhân dịp bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp vừa ra mắt hai tựa mới trong năm 2024 và tái bản trọn bộ các tựa đã phát hành.

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp được NXB Trẻ thực hiện từ đầu những năm 2000 với sự tham gia của những giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học từ Bắc vào Nam, như GS-TS Nguyễn Đức Dân, PGS-TS Trịnh Sâm, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lang,… và được tiếp nối bởi những nhà văn, nhà báo sau này như Dương Thành Truyền, Lê Minh Quốc. Trong đó, 2 tựa sách mới nhất vừa phát hành trong năm 2024 là "Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm" của tác giả Lê Minh Quốc và "Tình ca tiếng nước ta" của tác giả Dương Thành Truyền.

Tác giả Lê Minh Quốc chia sẻ: "Đất nước ngày càng phát triển và hội nhập, chúng ta phải giao lưu với các nền văn hóa, nhiều tiếng nói, sắc tộc thì cái giữ lại trong quá trình giao thoa đó, tôi nghĩ rằng: một tài sản quý báu nhất của dân tộc là chữ viết và tiếng nói của dân tộc đó".

Tác giả Nguyễn Đức Dân cho biết: "Đây là tiếng nói, mọi người dùng hàng ngày nên việc tìm phát hiện ra những điều đặc sắc của tiếng việt rất khó và công phu".

"Tiếng Việt có sự đặc sắc dựa trên cấu trúc của 1 ngôn ngữ đơn âm, nên người Việt có thể nói ngược nói xuôi, có thể chơi chữ đến từng đơn vị nhỏ nhất, biến thanh tức là thay đổi thanh điệu. Nên nếu chúng ta hiểu hơn thêm tiếng việt thì chúng ta sẽ yêu hơn. và khi yêu hơn sẽ sống với nhau tốt hơn, hay nói cách khác là nâng cao năng lực sử dụng tiếng việt, cuộc sống thú vị hơn, thành công hơn và thậm chí hạnh phúc hơn vì ngôn từ chính là trí tuệ cảm xúc" là những tâm sự của tác giả Dương Thành Truyền.

Tác giả Trần Thị Ngọc Lang

"Là người đầu tiên đã nghiên cứu nhóm từ sông nước tong phương ngữ Nam Bộ, sau đó nghiên cứu mối liên hệ giữa văn hóa - xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn từ ở Nam Bộ thì có sự cộng cư của người Việt với người Chăm, người Khmer, người Hoa, nên trong tiếng địa phương có rất nhiều từ ngữ mình mượn của các ngôn ngữ đó", tác giả Trần Thị Ngọc Lang cho hay.

Theo tác giả Trịnh Sâm, sách của mình tên thì giống nhau và được tái bản 5 lần đều thay đổi nội dung bên trong cho phù hợp. Và sắp tới, mình sẽ in thêm một quyển sách khác gần với thế hệ trẻ hơn.
Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp do Nhà xuất bản Trẻ phát hành đến nay đã xuất bản 11 tựa sách, góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc. Bộ sách với thiết kế hiện đại, khổ sách gọn gàng, bìa mềm.

Trong những năm qua, bộ sách được sự đón nhận rộng rãi của bạn đọc, đa số các tựa đều tái bản, trong đó có tựa đã in lần thứ 9. Bộ sách không chỉ được dùng để tham khảo trong nhà trường, cho người làm việc sáng tạo, mà còn hữu dụng với những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trong thời đại hiện nay.

Tác giả Lê Minh Quốc nói thêm, đã là người Việt ai cũng có thể bàn, nói hay viết về tiếng Việt tùy góc độ của mình. Và có một điều chắc chắn là không phải người Việt nào cũng hiểu hết tiếng Việt. Tiếng Việt của người Nam thì người Bắc chưa chắc hiểu và ngược lại. Thế thì ở đây, chúng ta đang tìm về chia sẻ trao đổi học hỏi lẫn nhau bằng sự hiểu biết của mình để vốn tiếng việt của mỗi người chúng ta phong phú hơn, trong sáng hơn, đa dạng hơn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: