Tại buổi thảo luận hôm qua của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến đại biểu đã tranh luận về một số vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo của ngành giáo dục và y tế thời gian gần đây.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Phú Yên
Bên cạnh việc bó buộc thì có những quy định "đường mòn, lối mở" làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách. Hiện nay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao của ngành ấy. Nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, nếu người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu lên 60 triệu bởi chỉ có "đường BOT"; còn chất lượng cao là gì, là có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Hà Tĩnh
Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được. Bên cạnh đó, vẫn còn chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho các công cụ, chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình.
Ý kiến đại biểu cho rằng, những hạn chế trong quản lý điều hành của ngành giáo dục đã ảnh hưởng đến thực hiện đổi mới chương trình giáo dục sách giáo khoa, giáo dục phổ thông. Đại biểu đề nghị cần xử lý dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc Hội Đà Nẵng
Những sai phạm ở NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ phải xử lý hình sự, phải có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát. Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, tôi cho rằng thái độ của Bộ và các Nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng. Dư luận không đồng tình hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế.
Thông tư có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người mà không hề có quy định là khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn sách ấy. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên. Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25. Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập đã được nêu trong nghị quyết 29 của trung ương.
Cũng tại buổi thảo luận, ý kiến đại biểu đề nghị cần quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, cùng với đó là hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam
Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tiếp tục tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong các bệnh viện. Công tác đấu thầu thuốc thì nên giao cho các công ty tư vấn độc lập để ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đề nghị cần có quy định về việc thanh toán lại những chi phí cho người có BHYT khi không có thuốc BHYT mà phải mua bên ngoài. Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng, kịp thời về công tác đấu thầu về vật tư y tế, hóa chất khi đã bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020, đặc biệt với những trang thiết bị độc quyền, đặc thù của ngành y tế.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội
Đôi đề nghị bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, hiện nay, theo số liệu năm 2021 còn khoảng 500.000 người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế. Trong những năm qua, nhiều địa phương ngoài chính sách khác đã mua bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, nhiều địa phương đạt 100% nhưng còn một số tỉnh chỉ đạt khoảng 88-90%. Đặc biệt, khi Quyết định 861 được ban hành thì Nhà nước không mua bảo hiểm y tế đã làm ảnh hưởng rất lớn đối với số người được tham gia bảo hiểm y tế. Trong số 11,6 triệu người cao tuổi, hiện nay chỉ có 5 triệu người có bảo hiểm trợ cấp xã hội, tỉ lệ còn lại vẫn phải lao động kiếm sống. Nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm tới bảo hiểm y tế đối với đối tượng này thì sẽ rất khó khăn. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thống nhất dùng ngân sách để mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9