(HTV) - Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thảo luận Luật sửa đổi về tài nguyên nước, ý kiến đại biểu cho rằng vấn đề cần được quan tâm hiện nay là phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cách bảo vệ nguồn nước để đảm bảo giữ được tài nguyên nước cũng như xử lý các hành vi vi phạm phù hợp với tình hình thực tế.
Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: "Trong văn bản này, việc đề cập đến nước dưới đất và nước trong khu vực đặc quyền kinh tế có thể sẽ cần được điều chỉnh tại các luật khác nhưng chưa được rõ ràng. Có người hiểu rằng các tài nguyên này được giữ lại, nhưng không rõ ràng về vị trí của chúng. Theo ông, chúng ta nên sửa đổi những quy định về quyền lợi, hành vi ảnh hưởng đến tài nguyên nước của Việt Nam mà không được điều chỉnh trong luật này hoặc luật khác. Chúng ta cần tôn trọng luật biển".
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Thảo luận Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, ý kiến đại biểu cho rằng luật sửa đổi lần này cần bổ sung những hành vi vi phạm liên quan đến các hoạt động tài chính, tín dụng thời gian gần đây.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Dương Ngọc Hải đề nghị gom lại các điều quy định về các hành vi bị cấm trong dự thảo luật và đề xuất bổ sung thêm các hành vi mới mà trong quá khứ đã xảy ra vi phạm, như môi giới trái phiếu doanh nghiệp và nhân viên NH lôi kéo khách hàng mua bảo hiểm trước khi vay tiền. Ông ấy cũng nhấn mạnh cần phải luật hóa các hành vi bị cấm để tăng cường sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ông Lê Minh Trí, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã đề nghị bổ sung thêm giải pháp phòng ngừa xử lý nợ xấu, cần tính đến việc ngăn ngừa trước để không phải đối mặt với hậu quả xấu. Nếu không kiểm soát được tình trạng nợ xấu, nước ta có thể phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh. Ông cũng cho rằng cần đưa ra lộ trình cụ thể để giảm thiểu nợ xấu, đồng thời kiểm tra thanh tra NH để đảm bảo chức năng cho vay đúng nhiệm vụ và phục vụ đại chúng, không chỉ tập trung vào hệ sinh thái của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, một số ngân hàng chỉ cho vay cho các công ty trong hệ sinh thái của chính mình, điều này không ổn và cần được tăng cường kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hoạt động cho vay của ngân hàng.
Ông Lê Minh Trí, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Đại biểu đề nghị luật cần làm rõ một số nội dung cho phù hợp với một số luật khác về tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức. Bởi sửa đổi luật lần này liên quan đến 31 dự án luật khác.
Bà Trần Kim Yến, Đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Trong Điều 4, khoản 5 điều 4, tổ chức tài chính quy mô, doanh nghiệp nhỏ, người dân có thu nhập thấp chưa thấy nói đến. Cần có quy định để khi triển khai thực hiện thì thuận lợi hơn. Theo quy định 20 năm 2017, bao gồm cả hộ cá nhân có mức sống trung bình. Để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung. Đồng thời với việc này thì tại khoản 2 điều 119 bổ sung cho đầy đủ”.
Bà Trần Kim Yến, Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Cũng tại buổi làm việc, đại biểu đề nghị làm rõ Tỷ lệ sở hữu cổ phần, dành cho cổ đông cá nhân và các tổ chức bởi lần này quy định về tỷ lệ thay đổi nhiều so với luật trước đây.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9