(HTV) - Tiếp tục kỳ họp thứ 6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự án Luật Đường bộ.
Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)
Tại dự thảo Luật Đường bộ điều 72 khoản 2 quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách, nhưng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non; với xe trên 24 chỗ phải có hai người quản lý trở lên. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này để tránh sự mâu thuẫn, gây khó khăn khi xử lý vụ việc.
Toàn cảnh buổi họp
Ông Nguyễn Hải Dũng nêu vấn đề: Một xe chở học sinh nhưng lại được quản lý bằng hai luật, vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý. Vì thế, nên đưa quy định về thâm niên người lái xe vận tải học sinh về luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Hải Dũng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ về hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Tuy vậy, đại biểu cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.
Ông Thạch Phước Bình - Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu bất cập “Thực tế cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải xe ô tô đưa đón học sinh phát sinh khá nhiều bất cập trong quản lý chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nên dành quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.”
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Mai Phương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng việc tổ chức thực hiện phải áp dụng cả hai luật dẫn đến khó theo dõi, khó thực hiện. Do đó đề nghị hai dự án luật cần được rà soát để xử lý những vướng mắc nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).