Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội – Đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia

HOÀNG HƯƠNG – TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 20/5/2025, 13:17

(HTV) - Trong phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 20/5.

 Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra: dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Các đại biểu chăm chú theo dõi nội dung kỳ họp tại hội trường.

 Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và địa phương, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa thông qua đóng góp của tổ chức, cá nhân. Quỹ sẽ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội và nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mua, thuê.

 Lý giải đề xuất này, Chính phủ cho biết hiện chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho địa phương và doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội bảo đảm dài hạn, bền vững. Cả nước mới chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tuy nhiên, các quỹ này đều gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 20/5.

 Chính phủ cũng kiến nghị một số cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, như:

 Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với giao chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, không thông qua đấu thầu.

 Rút gọn đáng kể thủ tục đầu tư xây dựng, trong đó có bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

Các đại biểu ghi chép và sử dụng thiết bị điện tử để theo dõi tài liệu kỳ họp.

 Ủy ban Pháp luật Tư pháp của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, do đây là những chính sách mới, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, Ủy ban đề nghị cần bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát và lãng phí.

 Cũng trong buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ý kiến của bạn: