NewzGraphic: 18/5 - Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Điểm qua những thành tựu đáng tự hào

NGỌC PHẠM - BẢO NGỌC - TRÚC QUỲNH - ANH THƠ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/5/2025, 19:04

(HTV) - Ngày 18 tháng 5 hàng năm là dịp tôn vinh các nhà khoa học – những “người hùng thầm lặng” góp phần kiến tạo tương lai Việt Nam. Đây là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của khoa học trong sự phát triển đất nước.

Công nghệ vũ trụ

Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ với vệ tinh MicroDragon do 36 kỹ sư Việt chế tạo, phóng lên quỹ đạo năm 2018. Tiếp nối là hai vệ tinh radar LOTUSat-1 và LOTUSat-2, trọng lượng gần 600kg, có khả năng chụp ảnh mọi thời tiết và phát hiện vật thể từ 1m. Việc làm chủ công nghệ này giúp Việt Nam ứng phó thiên tai hiệu quả, tiết kiệm khoảng 150 triệu USD mỗi năm.

Keo sinh học

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) nghiên cứu keo sinh học từ axit hyaluronic và chitosan có khả năng cầm máu, hàn kín vết thương mà không cần khâu, đặc biệt hữu ích cho người ở vùng xa bệnh viện. Keo sinh học được làm từ axit hyaluronic, một loại protein tự nhiên và chitosan, một chất được tìm thấy trong bộ xương của động vật có vỏ

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông tân tiến nhất ở khu vực Đông Nam Á được xây dựng và đưa vào hoạt động bởi Trung tâm sản xuất thiết bị điện tử Viettel (một công ty con thuộc tập đoàn viễn thông Viettel). Dây chuyền có khả năng sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm USB, 3 triệu điện thoại di động, và 9 trăm nghìn máy tính cá nhân mỗi năm.

Giàn khoan tự nâng 90m nước

Đây là giàn khoan đầu tiên của Việt Nam có thể đạt tới độ sâu 90m nước, thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ở Việt Nam, dự án cơ khí này được tài trợ nhiều nhất. Sau khi dự án được lắp đặt thành công trên biển, Việt Nam có thể tự hào là quốc gia sở hữu giàn khoan có chất lượng nằm trong top 3 khu vực châu Á và top 10 trên thế giới.

Máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp

Cũng là một loại máy chụp X quang, nhưng thay vì chỉ phát ra một tín hiệu của tia X đến với vật thể được chụp, máy soi cắt lớp điện toán sẽ phát ra nhiều tia X cùng một lúc từ những góc độ khác nhau. Máy được các nhà khoa học của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vietnam Atomic Energy Commission, VAEC) thiết kế và sản xuất. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (The International Atomic Energy Agency, IAEA) đã đặt mua 6 chiếc máy nói trên.

Những thành tựu trên không chỉ khẳng định năng lực trí tuệ Việt, mà còn mở ra cơ hội lớn để đất nước bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ. Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 vì thế không chỉ là dịp tôn vinh, mà còn là lời nhắc nhở về sứ mệnh chinh phục tương lai bằng chính nội lực của người Việt.
 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: