Phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay

Sỹ Thành 6/6/2019, 15:45

UBND quận-huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các phường, xã, thị trấn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng.

UBND TP.HCM vừa yêu cầu UBND các quận-huyện xác định công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay; thường xuyên phát loa nhắc nhở người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; đảm bảo 100% các hộ chăn nuôi có tờ bướm và các nội dung tuyên truyền công tác bảo vệ, phòng chống dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; khuyến cáo người dân không nên tái đàn trong thời điểm hiện nay; chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi heo ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, thủy sản để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân; phố biến chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để và không để xảy ra dịch bệnh lây lan.

UBND quận-huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các phường, xã, thị trấn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng, treo biển cảnh báo gắn trước cổng trại tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn; xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm có hành vi khiêu khích, chống đối người thi hành công vụ; kiểm tra các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhất là các thời điểm nhập sản phẩm động vật vào chợ ngoài giờ hành chính; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn; tổ chức kiếm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc trên các tuyến đường chính, đường cao tốc liên thông với các tỉnh; các tuyến đường nhỏ giáp ranh với các tỉnh, nhằm ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm và lây lan bệnh trên địa bàn TP. Riêng đối với huyện Bình Chánh cần nghiên cứu thêm giải pháp kiểm soát các đường có khả năng vận chuyển heo từ các tỉnh miền Tây về TP; hướng dẫn các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thừa các biện pháp xử lý để giảm thiểu nguy cơ tồn tại và xâm nhập mầm bệnh trong môi trường; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, thuốc sát trùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, địa điểm chôn lấp để kịp thời xử lý khi có bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn; tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng, treo biển cảnh báo gắn trước cổng trại tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn; cung cấp danh sách doanh nghiệp thu mua heo thịt cho UBND quận-huyện để tổ chức thu mua đàn heo thịt đến tuổi xuất chuồng an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi của TP với giá cả phù hợp, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, an tâm sản xuất.

Cục Quản lý thị trường TP tổ chức chốt chặn 24/24 để kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn TP, đặc biệt là các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh.

Ban Quản lý an toàn thực phấm TP kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có kiểm soát của cơ quan Thú y; vận động các nhà hàng, quán ăn cam kết không sử dụng thịt heo, phủ tạng heo không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
Ý kiến của bạn: