Phát triển kinh tế xanh: TP.HCM cần cơ chế đột phá, tạo động lực phát triển mới

HỒNG DIỄM - HỮU TRÍ - THIỆN TÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/6/2023, 23:00

(HTV) - Để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên những lĩnh vực lợi thế, tiềm năng của TP.HCM, bên cạnh hành lang pháp lý thì cần những cơ chế, chính sách thông thoáng, đủ đột phá để thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Không chỉ thiếu đơn hàng, Dệt may còn hiện gặp sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Âu, Mỹ, Nhật. Chính vì thế, doanh nghiệp này đã chủ động đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường. 

Cần những cơ chế, chính sách thông thoáng, đủ đột phá để thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế xanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến cho biết: "Giải pháp phát triển xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng xanh là mục tiêu của chúng tôi, và điều này cũng là mục tiêu của châu Âu. Để phát triển bền vững, không có con đường nào khác ngoài việc phải có dòng tiền và tài chính đầu tư. Chúng tôi đang xây dựng một hệ thống liên kết chuỗi cung ứng từ sản xuất sợi, nhuộm, dệt may và các ngành phụ trợ khác, để chúng tôi có thể vững vàng trên đường hội nhập và chứng minh với các nhà mua hàng rằng Việt Nam có mô hình cải tiến và cơ chế tài chính tốt".

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định: “Trong giai đoạn hiện tại, yêu cầu về sản xuất xanh ngày càng lớn không chỉ riêng cho hàng xuất khẩu mà còn ở thị trường nội địa và những FDI khi nhập cảnh Việt Nam đã mang theo dấu ấn của sản phẩm xanh. Do tính cạnh tranh, các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh để giảm chất thải CO2".

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM 

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi TP.HCM sang mô hình phát triển kinh tế xanh, cần đặt nặng vào các trụ cột như đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch, điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch và thúc đẩy khởi nghiệp. Ngoài hành lang pháp lý, để phát triển kinh tế xanh, cần tạo ra cơ chế, chính sách linh hoạt và đột phá để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, dựa trên lợi thế, tiềm năng của TP.HCM và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

Ông Phạm Phú Trường, Phó Viện trưởng Viện phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TP.HCM cho biết: "Việc sử dụng các cơ chế phù hợp với xu hướng là cần thiết. TP.HCM là đầu tàu kinh tế với 1/3 số doanh nghiệp của cả nước và có tính động sáng tạo cao. Do đó, TP.HCM cần tự đề xuất và định hướng phù hợp cho bản thân, sau đó dẫn dắt toàn vùng Đông Nam Bộ. Điều này rất hợp lý".

Ông Phạm Phú Trường, Phó Viện trưởng Viện phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TP.HCM

Mặc dù đánh giá cao đề xuất của TP.HCM, nhưng chuyên gia cho rằng để đảm bảo tính hiệu quả, TP.HCM cần phải tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực, huy động cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cùng tham gia vào một nền kinh tế xanh.

PGS. TS. Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước của UEH cho rằng: "Thứ nhất, chúng ta cần hỗ trợ về thủ tục hành chính, khuyến khích các khoản cho vay để đầu tư và cơ chế hỗ trợ của chính quyền TP trong việc tạo lập mối liên kết giữa các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, chúng ta cần cơ chế đặc thù để thành phố chủ động thực hiện những công việc đó và tạo lập môi trường đầu tư thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư. Kết quả đạt được trong tình hình đó mới có thể thực sự sâu rộng".

PGS. TS. Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước của UEH

Rõ ràng, để xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM cần nguồn lực và quyết tâm rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân. Việc này sẽ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: