So với bình thường nhiều năm cùng thời điểm, hiện diện tích ngập lũ của vùng đồng bằng sông Mekong mới chỉ đạt 37%, tương đương diện tích 5.500 km2.
Theo bản tin của MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong), mực nước sông dọc biên giới Thái và Lào đang bắt đầu tiệm cận mức bình thường. Tuy nhiên, do mưa ít và các con đập thủy điện khắp lưu vực tranh thủ tích nước nên mực nước sông Mekong tại Stung Treng (Campuchia) hiện thấp hơn 1,5 mét so với nược nước trung bình và mực nước trên sông Tonle Sap (Campuchia) cũng thấp hơn trung bình 2 mét. Hiện tại, mới có 5.500km2 bị ngập, tương đương 37% diện tích so với diện tích ngập lũ của trung bình nhiều năm.
Tổng lượng nước qua trạm Kratie từ 1/6 - 6/7/2023. Nguồn ảnh: SIWRP
Dẫn số liệu từ Ủy hội sông Mekong quốc tế, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Tại trạm Kratie (Campuchia), tổng lượng nước qua đây từ ngày 1/6 - 6/7/2023 chỉ đạt 19,71 tỷ mét khối. So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (1961 - 2022) ít hơn khoảng 10,59 tỷ mét khối. Nếu so với năm 2022, ít hơn đến 14,7 tỷ mét khối. Còn nếu so với năm có El Nino lần đầu là năm 2019 thì ít hơn khoảng 0,63 tỷ mét khối.
Mực nước tại Kratie ngày 6/7 là 10,28 mét, so với trung bình nhiều năm thấp hơn 2,75 mét, thấp hơn 2022 là 1,16 mét và thấp hơn năm 2019 là 0,6 mét.
Tương tự, mực nước tại Biển Hồ đạt 1,65 mét; so với trung bình nhiều năm thấp hơn 2,49 mét, so với năm 2019 thấp hơn 0,98 mét, nhưng cao hơn 0,23 mét so với năm 2019.
Còn tại trạm Tân Châu (trên sông Tiền) mực nước cao nhất ngày 5/7 đạt 1,45 mét; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,09 mét, cao hơn năm 2022 0,06 mét và cao hơn năm 2019 0,09 mét.
Tại trạm Châu Đốc (trên sông Hậu) mực nước cao nhất ngày 5/7 đạt 1,67 mét, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ cao hơn 0,23 mét, cao hơn năm 2022 0,2 mét và cao hơn năm 2019 là 0,2 mét.
Mực nước tại hai trạm đầu nguồn sông Cửu Long phổ biến cao hơn cùng kỳ nhiều năm do chịu ảnh hưởng của cả nước sông Mekong từ thượng nguồn đổ về và cả chế độ thủy triều. Hiện tại, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long cũng đang giảm do đang vào giai đoạn thủy triều kém.
SIWRP cho biết: Mực nước các trạm thượng nguồn sông Cửu Long đến cuối tháng 6 ở mức khá thấp. Tại Biển Hồ, mực nước chỉ tương đương các năm 2015 và 2019 - những năm có mực nước đầu mùa lũ rất thấp và là những năm có El Nino. Tuy nhiên, dự báo mưa tháng 7 trên lưu vực có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm nên khả năng cuối tháng mực nước thượng nguồn sẽ được cải thiện. Cụ thể, dự báo mực nước lũ cuối tháng 7 tại Tân Châu là 2,2 mét. Về cơ bản, mực nước này không có khả năng ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa hè thu và thu đông ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Nguồn: Thanh niên
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9