Những con chữ ngoài trang sách - Chuyện hậu trường nghề xuất bản cách nay 100 năm

Duy Dương 8/5/2023, 14:44

Chúng ta cầm trên tay cuốn sách, đọc nội dung, biết tác giả. Mấy ai đặt ra câu hỏi "Để một tác phẩm đến với độc giả, ngành xuất bản sách đã ra đời và phát triển ở Việt Nam như thế nào?". Cuốn sách "Những con chữ ngoài trang sách” sẽ trả lời câu hỏi đó.

Để một cuốn sách, một tác phẩm hoàn thiện đến được với độc giả, nó phải trải qua rất nhiều công đoạn. Việc tác giả viết, bản thảo thành hình, biên tập, in ấn, phát hành… thực bao nhiêu việc phải làm để một cuốn sách có thể hiện diện trên giá sách.

Tác phẩm "Những con chữ ngoài trang sách" của tác giả Trần Đình Ba, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân Kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023, là câu chuyện về nghề xuất bản thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945. Qua cuốn sách, độc giả có cơ hội tìm hiểu về in ấn, xuất bản, phát hành sách và cả văn hóa đọc thời xưa cách chúng ta gần một thế kỷ. Những sự kiện, dữ liệu sẽ hiện diện qua những chủ đề rất gần gũi, từ đó tái dựng rõ nét một thời lịch sử hoạt động xuất bản của nước nhà.

"Những con chữ ngoài trang sách" sẽ cho độc giả biết về lịch sử, những câu chuyện thú vị của ngành xuất bản Việt Nam

Ở "Những con chữ ngoài trang sách", giới hạn mốc thời gian một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta vào nửa cuối thế kỷ XIX, cho đến tháng 8 năm 1945.

Được chia làm 3 phần với 48 bài viết theo dạng chủ đề, những mảnh nhỏ của hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành sách cùng văn hóa đọc của Việt Nam được lần mở dần dần qua từng trang sách. Mỗi một bài viết giúp độc giả thời nay tiếp cận, biết và hiểu về những vấn đề dường như thuộc về hậu trường của nghề xuất bản.

 Ngành xuất bản tại Việt Nam đã hình thành và phát triển như thế nào?

Ở phần 1 - “Phía sau trang sách” tập trung nội dung về xuất bản ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX khi máy móc in ấn của phương Tây được người Pháp đưa sang Việt Nam.

Hoạt động trong thời gian bị thực dân Pháp, phát xít Nhật đô hộ, lĩnh vực xuất bản cũng bị chiếc “vòng kim cô” là kiểm duyệt bao vây, khiến nhiều tác giả, tác phẩm lao đao. Những tác giả “vào tù ra khám” của thực dân, phát xít vì yêu nước như Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm… tác phẩm luôn bị để ý và nhiều cuốn bị cấm.

Trong phần 2 - “Vui buồn giấy mực” giới thiệu đến độc giả nhiều hoạt động liên quan đến xuất bản. Nhiều nhà văn, nhà văn, tác giả, dịch giả tham gia xuất bản nhưng “đứt gánh” vì không biết kinh doanh hoặc ít vốn. Trong số họ có những tên tuổi quen thuộc Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính, Phạm Cao Củng… Những con mọt chữ cũng được điểm danh như Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vương Hồng Sển… Phần này cũng điểm qua những dòng sách thịnh hành thời đó, trào lưu làm sách Tết được khởi phát từ năm 1928 với sự tiên phong của Tân Dân thư quán, và cuộc triển lãm sách báo đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Sài Gòn năm 1942…

Sang phần 3 - “Cảo thơm lần giở”, chúng ta có dịp nhìn lại nhiều tấm gương yêu sách, đọc sách và cả quan điểm của họ về vai trò của sách vở trong đời sống.

Với dung lượng gần 400 trang, cách trình bày theo dạng bài viết nhỏ, chia thành những vỉa chủ đề liên quan, độc giả sẽ gặp lại nhiều tác giả, tác phẩm mình từng được đọc, cũng như biết thêm nhiều câu chuyện liên quan đến họ qua cuốn sách này.

Tác giả Trần Đình Ba

Ý kiến của bạn: