Nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam: Sức mạnh chiến thắng từ sự đoàn kết, ý chí kiên cường

ĐÀO TRƯNG - TẤN LỘC - QUỐC SỬ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/4/2024, 23:00

(HTV) - Chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi - cuộc đấu trí quân sự cân não, mà điểm quyết định là Bộ chỉ huy chiến dịch kịp thời thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Với chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneva (21/7/1954). Mùa Xuân năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, với một loạt chiến dịch lớn, mà quan trọng là chiến dịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành được đại thắng lợi, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự thống nhất và tương đồng, kế thừa và phát triển đã định hình nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam.

Mốc son của chiến thắng, sự linh hoạt và quyết định của bộ chỉ huy khi thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc"

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn nhất trong lịch sử 30 năm chiến tranh Giải phóng Dân tộc đã thể hiện sáng tạo, linh hoạt trong nghệ thuật đánh giặc, đặc biệt là nghệ thuật "đánh nhanh, đánh mạnh, đánh hiểm, đánh chớp nhoáng". Chiến dịch đã vận dụng thành công chiến thuật bao vây, cô lập, đánh thọc sâu, chia cắt, tiến công đồng loạt, tạo điều kiện cho lực lượng ta giành chiến thắng nhanh chóng. Chiến dịch đã phát huy cao vai trò của quân chủ lực, kết hợp chặt chẽ với quân địa phương trong tiến công và nổi dậy. Chiến dịch đã sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị mới, đặc biệt là pháo binh, xe tăng, máy bay.

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng đã chia sẻ rằng: "Thời điểm tháng Giêng 1954, bộ đội chúng ta mới chỉ tiêu diệt địch cao nhất là một tiểu đoàn có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản chúng ta mới đánh được một tiểu đoàn công sự dã chiến. Lớn hơn nữa chúng ta chưa trải qua, cũng chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Nếu tác chiến Điện Biên Phủ sẽ bị máy bay, pháo binh ném sát thương. Kế hoạch của đại tướng thể hiện sâu sắc, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình thương, trách nhiệm của chỉ huy đối với cấp dưới, và trách nhiệm của lãnh đạo Đảng với Cách mạng Việt Nam, để chúng ta có một lực lượng còn chiến đấu lâu dài mấy chục năm sau nữa chứ có phải xong Điện Biên Phủ mà xong đâu. Một chiến thuật đặc sắc của trận Điện Biên Phủ là vây lấn. Cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo, hệ thống công sự kiên cố. Nếu đồng loạt tiến công theo truyền thống đánh nhanh thắng nhanh vào trung tâm thì không thể thực hiện được, thương vong sẽ rất lớn. Vì vậy, dưới lòng đất, vòng vây của ta siết chặt, trên trời, máy bay địch không rà được, quân Pháp bị cô lập, cuối cùng không còn lối thoát. Chiến thuật này là kinh nghiệm thời xa xưa, được vận dụng vào trận Điện Biên Phủ, phát triển thành nghệ thuật vây phá triệt diệt, sau này phát huy rất hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ". 

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay phấp phới trên nóc hầm

Pháp thất bại, Mỹ lợi dụng tình thế, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Suốt 21 năm, trên cả hai miền đất nước, quân và dân ta đã tiến hành hàng nghìn trận đánh và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một sự kế thừa hoàn chỉnh và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn nhất trong lịch sử 30 năm chiến tranh Giải phóng Dân tộc đã thể hiện sáng tạo, linh hoạt trong nghệ thuật đánh giặc. Chiến dịch đã vận dụng thành công chiến thuật bao vây, cô lập, đánh thọc sâu, chia cắt, tiến công đồng loạt, tạo điều kiện cho lực lượng ta giành chiến thắng nhanh chóng. Chiến dịch đã phát huy cao vai trò của quân chủ lực, kết hợp chặt chẽ với quân địa phương trong tiến công và nổi dậy. Chiến dịch đã sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị mới, đặc biệt là pháo binh, xe tăng, máy bay

Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự đã cho biết: "Khác với trận Điện Biên Phủ vì bối cảnh khác nhau, trong chiến dịch Hồ Chí Minh chúng ta không chia tuyến và hình thành những thay đổi theo kiểu đánh cổ điển, mà chúng ta tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm của địch ở vùng ven Sài Gòn. Binh chủng hợp thành lực lượng thọc sâu đột kích đánh thẳng vào trung tâm Thành phố. Năm quân đoàn được giao năm mục tiêu cụ thể. Chúng ta thưc hiện ngoài đánh vào trong đánh ra, kết hợp biệt động ém trong Thành phố và quân chủ lực. Đây là cách đánh hiểm hóc, nhờ đó, giữ được Sài Gòn không đổ nát nhiều, hạn chế thương vong cho người dân". 

Kể từ chiến dịch đầu tiên (Chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông năm 1947) đến chiến dịch cuối cùng (Chiến dịch Hồ Chí Minh), đều có nét chung là nghệ thuật chiến dịch chiến tranh nhân dân. "Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh" là nội dung chủ đạo, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam từ hàng ngàn năm lịch sử.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: