(HTV) - Một giáo sư người Mỹ, từng có bài báo phân tích về tinh thần phản biện của sinh viên Việt Nam. Trong đó, ông nêu ra điểm yếu của sinh viên Việt là chưa biết cách thể hiện và bảo vệ chính kiến của bản thân.
Nếu quan điểm đó không phạm nghiêm trọng đến lợi ích của mình, họ sẽ bỏ qua và không muốn phản biện lại, vì lo ngại ảnh hưởng đến bản thân, trở thành nhân tố khác biệt trong một tập thể. Khi gặp khó khăn, họ cũng thường dựa vào ý kiến chung mà không cần biết đúng hay sai, thay vì tự phân tích, đánh giá và đưa ra quan điểm riêng.
Vậy tư duy phản biện là gì? Nó có thực sự quan trọng đối với cuộc sống chúng ta hay không?
Có thể nói, giáo dục giúp đưa con người thoát khỏi bóng tối, mở ra ánh sáng văn minh, trong đó, tranh biện cũng là một phần tất yếu của quá trình nâng cấp bản thân, trau dồi kiến thức.
Tranh biện khác với chỉ trích, mọi người sẽ dễ nhầm lẫn, bởi nhìn chung đều thể hiện quan điểm của mỗi người. Nhưng thực tế, tranh biện không đặt cảm xúc lên trên với những lý lẽ thiếu thuyết phục. Mà cần phải đi sâu vào phân tích, tìm dẫn chứng cụ thể để chứng minh, bảo vệ quan điểm cá nhân lựa chọn, tập trung vào vấn đề thay vì con người.
Do đó, để mỗi người chúng ta có cho mình kỹ năng phản biện tốt, hãy rèn luyện và tích lũy kiến thức, vốn từ vựng mỗi ngày thông qua sách vở, vì học tập là cả một quá trình dài.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9