Cần nâng cao công tác quản lý đối với sinh vật ngoại lai

VŨ TUYÊN - MINH KHOA - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 16/11/2023, 00:00

(HTV) - Không thể phủ nhận các sinh vật ngoại lai cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học khi đã mang đến lợi ích kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu buông lỏng công tác quản lý thì những tác hại sẽ là khôn lường.

Sinh vật ngoại lai thường du nhập vào Việt Nam qua 3 con đường: Tự nhiên, có chủ đích và không có chủ đích. 

Việc phát hiện các cá thể chuột túi ở Cao Bằng, khiến cho vấn đề quản lý các loài sinh vật ngoại lai tại Việt Nam xuất hiện trở lại.

Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đã thực hiện việc tiếp nhận 05 loài/ 15 cá thể động vật hoang dã ngoại lai (không thuộc danh mục ngoại lai xâm hại), trong đó có 14 cá thể thuộc Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố tự nguyện giao nộp cho Nhà nước. 

Quản lý sinh vật ngoại lai, bảo tồn đa dạng sinh học

Ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết: "Năm 2023, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phát hiện, xử lý 02 vụ vi phạm hành chính liên quan đến động vật rừng, thu nộp ngân sách 18.750.000 đồng, tịch thu 05 con khỉ đuôi dài thả về tự nhiên theo quy định. Do là động vật ngoại lai không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam nên sau khi cứu hộ sẽ chuyển giao (đối với động vật sống) cho các cơ sở có chức năng nuôi dưỡng, bảo tồn, giáo dục môi trường hoặc tiêu hủy đối với động vật chết. Kết quả từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã thực hiện chuyển giao 09 cá thể để nuôi dưỡng, bảo tồn; tiêu hủy 06 cá thể do chết".

Theo PGS.TS Hoàng Đức Huy - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, việc tiếp nhận sinh vật ngoại lai luôn có 2 mặt. Cái lợi là có thể đem lại nguồn gen phong phú mới lạ, nhưng cái hại là những loại sinh vật ngoại lai này có thể trấn áp các loài bản địa.

Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn Luật sư TP.HCM cũng thông tin về những hành vi liên quan đến việc buôn bán trái phép sinh vật ngoại lai. Dù cá thể có thể hoặc không gây nguy hiểm hay tác động xấu gì với môi trường, kinh tế, nếu không chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì cũng đều phải bị xử phạt.

Các sinh vật ngoại lai khi đã thiết lập được quần thể và phát tán thì việc loại trừ triệt để rất khó khăn

Các sinh vật ngoại lai khi đã thiết lập được quần thể và phát tán thì việc loại trừ triệt để rất khó khăn. Vì vậy việc nhận diện và xác định chính xác loài ngoại lai xâm hại hay không thì cần kiến thức và trình độ chuyên môn. Do đó, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, mỗi người dân cũng cần thay đổi hành vi ứng xử của mình với thiên nhiên.

Theo Nguyễn Trung Trực - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM: "Nếu phát hiện vụ việc liên quan mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật thì báo cho cơ quan chức năng gần nhất, hay báo cơ quan kiểm lâm, để tiếp nhận và xử lý theo quy định. Nếu mua làm cảnh mà không chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì nên giao nộp để chăm sóc rồi trả về tự nhiên hoặc đưa về trung tâm bảo tồn".

Bên cạnh sự tham gia của cơ quan quản lý, việc nâng cao vai trò của người dân là một những giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc kiểm soát, kinh doanh những sinh vật ngoại lai. Đây cũng là cách để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, giúp duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

  

Ý kiến của bạn: