Mùa hè đổ lửa 2024

HÀ THẢO - MAI LÊ - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/4/2024, 22:24

(HTV) - Tháng 3/2024 là tháng nóng nhất trong lịch sử Trái đất. Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nắng nóng đặc biệt này là do khí thải nhà kính mà con người gây ra, cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.

Nhiệt độ không khí lẫn bề mặt nước biển trong tháng 3/2024 đều tăng cao kỷ lục. Nguồn ảnh: Reuters

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết, nhiệt độ trung bình trên Trái đất trong tháng 3/2024 là 14,14 độ C. Không chỉ nóng nhất trong lịch sử, mà nhiệt độ bề mặt nước biển cũng tăng lên mức cao gây sốc mới là 21,07 độ C.

Khoảng thời gian 12 tháng, tính từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, cũng là giai đoạn 12 tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc Copernicus, cho biết nhân loại đang trải qua thời kì nóng nhất trong khoảng 100.000 năm qua.

Hạn hán do biến đổi khí hậu đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở các nước Châu Mỹ và xóa sổ mùa màng ở Châu Phi. Nguồn ảnh: Reuters 

Hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra một số vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 01 đến tháng 3, trong khi hạn hán ở Nam Phi đã xóa sổ mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Trường Đại học Bang Utah (Mỹ) cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng di chuyển chậm hơn, qua đó kéo dài thời gian nhiệt độ cực đoan gây hại cho con người.

Từ đầu tháng 4, nhiều người dân trên thế giới đã cảm nhận cái nắng nóng gay gắt như giữa mùa hè. Nhiệt độ trung bình tại nhiều thành phố lớn tại Châu Á đã vượt ngưỡng 30 độ C, thậm chí lên tới 37 - 38 độ. Trong khi theo thống kê, mùa Hè năm nay cũng đến sớm tới hơn 2 tuần.

Châu Á chật vật vì nắng nóng

Nhiệt độ cao và độ ẩm tăng khiến muỗi sinh sản nhanh hơn.  Nguồn ảnh: Know Dengue

Thời tiết nóng nực cùng độ ẩm tăng đột biến cũng khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Nam Mỹ. 

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), trong số 3,5 tỷ người trên thế giới sống ở các quốc gia có dịch sốt xuất huyết và có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, 1,3 tỷ người sống ở 10 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (theo phân vùng của WHO). Trong số này, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka nằm trong 30 quốc gia có dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất.

Nhiệt độ và độ ẩm cao gây hại cho sức khỏe

Tại khu vực Nam Mỹ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, Argentina đã ghi nhận trên 163.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ tăng cao khiến muỗi sinh sản nhanh hơn và bay sang các vùng có khí hậu mát mẻ hơn. Tiến sĩ Sylvia Fischer thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina cho biết, họ tìm thấy muỗi ở những vùng mới về phía Nam, những nơi mà vài năm trước không có muỗi.

Các ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt tại Indonesia

Tổ chức Y tế liên Mỹ cho biết, số ca bệnh sốt xuất huyết tại châu Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Brazil, Argentina và Paraguay là những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, chiếm 98% trong tổng số gần 3,6 triệu ca bệnh của toàn châu lục.

Các nhà khoa học khuyến cáo khi trồng rừng cần chú ý đến hiệu ứng Albedo. Nguồn ảnh: Đại học Colorado Boulder

Việc mở rộng diện tích rừng được xem là một trong những giải pháp khí hậu giúp tăng mật độ cây xanh hấp thụ carbon và chống xói mòn, sạt lở đất. Tuy nhiên, trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học chỉ ra rằng việc trồng cây ở những nơi không thích hợp có thể góp phần làm nóng lên toàn cầu. 

Thời tiết nóng làm muỗi trưởng thành nhanh hơn

Các nhà nghiên cứu đề cập đến Albedo - một hiệu ứng xảy ra khi tia nắng mặt trời chiếu vào một bề mặt và những tia này quay trở lại vũ trụ. Hiệu ứng này ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu theo một cách nhất định.

Theo đó, ở một số địa điểm, mật độ cây dày đặc khiến ít ánh sáng Mặt trời được phản xạ trở lại vũ trụ, tức Albedo thấp đi và Trái đất theo đó hấp thụ nhiều nhiệt hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng công bố một bản đồ mới xác định những vị trí tốt nhất để tái trồng rừng và làm mát hành tinh.

Rừng nhiệt đới ẩm là nơi lý tưởng để phục hồi độ che phủ rừng, còn vùng đồng cỏ ôn đới và hoang mạc thì ngược lại. Nguồn ảnh: Reuters

Cụ thể, các môi trường ẩm ướt, nhiệt đới như vùng Amazon và lưu vực Congo có khả năng lưu trữ khí carbon cao và có Albedo thay đổi thấp, là địa điểm lý tưởng để phục hồi độ che phủ rừng. Trong khi đó, các vùng đồng cỏ ôn đới và hoang mạc thì ngược lại.

Tuy nhiên, không thể trồng cây ở khắp mọi nơi do con người không có đủ tài chính, thời gian, tài nguyên, nhân lực hoặc cây giống. Do đó, cần tận dụng tối đa các khoản đầu tư hạn chế để thu được lợi ích khí hậu lớn nhất trên mỗi héc-ta đầu tư.

Liên Hiệp Quốc hôm 11/4 cảnh báo 2 năm tới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cứu lấy hành tinh của chúng ta. Theo đó, lãnh đạo các nước cần hành động nhanh chóng hơn để chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cam kết cắt bỏ hoàn toàn khí phát thải toàn cầu vào năm 2030, tiến tới việc sử dụng các năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.


Ý kiến của bạn: