Xét đề nghị của Bộ Tài chính về việc miễn thuế hàng hóa nhập khẩu theo điều ước quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý với đề nghị này.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể, đồng thời chỉ đạo Cơ quan hải quan giám sát, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa miễn thuế của Hãng hàng không Singapore Airlines đúng mục đích, đúng đối tượng quy định tại Điều 5 Hiệp định vận chuyển về hàng không giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore ký ngày 20/4/1992.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng vừa ký quyết định bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo này.
Cụ thể, bổ sung 5 thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia) được thành lập theo quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia các chủ trương, chính sách lớn, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về các chủ trương và định hướng đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế chung để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán của các Bộ, ngành.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế còn giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế - thương mại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức, các diễn đàn và hiệp định kinh tế - thương mại quốc tế, khu vực khác; chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, thương mại trong nước để thích ứng với các định chế, các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia.