LongFORM: ECB mở đường cho giai đoạn hạ lãi suất trên thế giới

NHẬT MINH - MAI LAN - NGỌC THẠCH - NAM PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/6/2024, 07:00

(HTV) - Ngân hàng trung ương Châu Âu ECB lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ năm 2019, sau khi nhận thấy tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo các chuyên gia, quyết định này có thể mở đường cho giai đoạn hạ lãi suất tại nhiều nước trên thế giới.

Ngân hàng trung ương Châu Âu ECB lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ năm 2019, sau khi nhận thấy tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo các chuyên gia, quyết định này có thể mở đường cho giai đoạn hạ lãi suất tại nhiều nước trên thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde tham dự họp báo tại Frankfurt, Đức. Nguồn ảnh: Reuters

Lần cắt giảm đầu tiên của ECB trong gần 05 năm qua đưa lãi suất tại 20 nước sử dụng đồng euro xuống mức 3,75%, giảm 25 điểm cơ bản so với mức kỷ lục 4% được duy trì từ tháng 9/2023.p

Các chuyên gia đánh giá quyết định của ECB sẽ giúp giảm thiểu áp lực đối với nhiều doanh nghiệp vốn đã chịu áp lực tài chính kể từ khi lãi suất tăng nhanh từ cuối năm 2021.

Biểu đồ lãi suất ở khu vực eurozone qua các năm. Nguồn ảnh: Euronews

Lạm phát tại khu vực eurozone đã giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống gần mục tiêu 2% của ECB trong những tháng gần đây. Sự cải thiện này phần lớn là nhờ chi phí nhiên liệu giảm và nguồn cung bình thường trở lại.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói: "Dựa trên đánh giá cập nhật của chúng tôi về triển vọng lạm phát, các yếu tố tác động và chính sách tiền tệ, đây là giai đoạn thích hợp để điều chỉnh thắt chặt chính sách sau 9 tháng giữ nguyên lãi suất."

Tuy nhiên, ECB cũng nhấn mạnh cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa chấm dứt. Vì thế, bà Lagarde chưa cam kết cho những lần cắt giảm tiếp theo trong tương lai gần.

Biểu đồ lạm phát ở khu vực eurozone qua các năm. Nguồn ảnh:: Financial Times

Lạm phát tại eurozone trong tháng 5 vừa qua tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt mức dự báo 2,5%. Lạm phát lõi không tính giá thực phẩm và năng lượng cũng gia tăng do tiền lương tăng nhanh.

ECB đã nâng dự báo lạm phát tại eurozone trong năm nay lên 2,5%, tăng 0,2 điểm % so với mức dự báo đưa ra cách đây 03 tháng.

Giới phân tích đánh giá ECB chưa vội vã nới lỏng chính sách tiền tệ. Dù ECB là một trong những nơi đầu tiên bắt đầu hạ lãi suất, nhưng cơ quan này có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 tới.

ECB mở đường cho giai đoạn hạ lãi suất trên thế giới

Trước Ngân hàng trung ương Châu Âu thì Canada là quốc gia đầu tiên trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 bắt đầu hạ lãi suất. Ngân hàng trung ương Canada nhận định với những bằng chứng cho thấy lạm phát tại nước này được kiểm soát, chính sách tiền tệ vì thế nên được nới lỏng.

Canada đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 4,75%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên trong 04 năm qua. Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Tiff Macklem tuyên bố nước này đã đi được chặng đường dài trong cuộc chiến chống lạm phát.

Biểu đồ lãi suất ở Canada qua các năm. Nguồn ảnh: CBC

Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Tiff Macklem nói: "Chúng tôi muốn lạm phát được kiểm soát một cách bền vững. Khi nhìn vào dữ liệu từ đầu năm đến nay, lạm phát đã liên tục đi xuống, đặc biệt là trong 4 tháng liên tiếp. Vì thế, các thành viên trong hội đồng chính sách đều nhất trí đã đến lúc nới lỏng kiểm soát tiền tệ."

Lạm phát ở Canada trong tháng 4 đã xuống mức thấp nhất là 2,7% trong 03 năm qua. Trong 04 tháng liền, tỉ lệ đều dưới 3%, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.

Ông Macklem nhận định Canada vẫn cần duy trì kiểm soát tiền tệ ở một mức độ nhất định nhưng tình hình không còn khắt khe so với trước đây. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh lãi suất diễn ra quá nhanh thì những thành quả chống lạm phát trước đó sẽ bị đe doạ.

Người dân Canada mua sắm tại siêu thị. Nguồn ảnh: CCTV

Ngân hàng trung ương Canada dự kiến sẽ công bố quyết định tiếp theo về chính sách tiền tệ vào ngày 24/7.

Theo hãng tin AP, các Ngân hàng trung ương trên thế giới đang có xu hướng nghiêng về cắt giảm lãi suất. Ngoài Canada, một số nước đã tiến hành hạ lãi suất trong năm nay gồm Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Hungary và Cộng hoà Séc.

Lạm phát đã giảm từ đỉnh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng mức hạ tại Mỹ đã chậm lại trong thời gian gần đây. Các chuyên gia dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất muộn hơn so với Châu  Âu, với lý do nằm ở sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Mỹ, chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE – vốn là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đạt 2,7% trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, tăng 0,2 điểm % so với tháng 2. Một thước đo khác về lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 đạt 3,4%, giảm nhẹ 0,1 điểm % so với tháng trước đó.

Khác biệt giữa PCE và CPI nằm ở chỗ PCE bao trùm nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn so với CPI. Ngoài ra, chỉ số PCE còn cho thấy được sự thay đổi hành vi tiêu dùng khi giá cả thay đổi.

Thị trường chứng khoán Mỹ theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Nguồn ảnh: AP

Fed giữ lãi suất 5,25 - 5,5% từ tháng 7/2023. Cơ quan này đã tăng lãi suất lên 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.

Ban đầu, thị trường tài chính dự kiến đợt cắt giảm đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, kỳ vọng đó bị đẩy lùi sang tháng 6, rồi tiếp tục dời lại khi dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát tiếp tục tăng.

Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Mỹ tăng trưởng 2,7% năm nay, trong khi khu vực eurozone chỉ tăng 0,8%. Các công ty tại Mỹ đang đẩy mạnh tuyển dụng, tạo thêm nhiều việc làm.

Theo báo mới nhất trong tháng 5, kinh tế Mỹ có thêm 272.000 việc làm mới, tăng mạnh so với tháng 4, và vượt xa mức dự báo là 190.000.

Mỹ cũng chi nhiều hơn các chính phủ Châu Âu trong những năm gần đây để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, khiến khả năng lạm phát quay trở lại ở Mỹ cao hơn so với Châu  Âu. Vì thế Fed không vội vã thay đổi chính sách tiền tệ.

Công nhân xây dựng làm việc tại Los Angeles, Mỹ. Nguồn ảnh: AP

Mark Hamrick - nhà phân tích kinh tế của công ty Bankrate nhận định ECB và Canada hạ lãi suất, nhưng Fed sẽ không chịu áp lực từ điều đó. Họ đang rất quyết tâm đưa lạm phát về sát mục tiêu 2%.

Theo khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters, gần 2/3 các nhà kinh tế được hỏi nhận định Fed có thể bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, với mức giảm là 25 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng điều đó có thể tác động đến nền kinh tế tổng thể. Thị trường chứng khoán sụt giảm có thể khiến các công ty trì hoãn đầu tư hoặc cắt giảm chi phí. Ngoài ra, lãi suất tăng cao có xu hướng khiến người dân tiết kiệm hơn thay vì đầu tư hoặc chi tiêu, khiến kinh tế chậm lại.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: